Nhà báo và những suy ngẫm- Bài 4

Cập nhật: 18-06-2015 | 11:15:44

Bài 4: Phát thanh viên Đỗ Đăng Trình - Những vai diễn thú vị của cuộc đời

Sở hữu cách nói chuyện hài hước, có thể chọc cười người đối diện bất cứ lúc nào, nhưng trong công việc, anh là một phát thanh viên rất nghiêm khắc với bản thân và nghiêm túc với nghề. Anh luôn biết mình đang đại diện cho tiếng nói, tiêu chí của đơn vị nào, cho chương trình nào để đưa ra sản phẩm phát thanh, truyền hình đạt hiệu quả nhất. Anh còn cho rằng nghề phát thanh viên luôn cần phải có cái tôi của một nhà báo, cái tôi của chúng ta chứ không phải là cái tôi cá nhân. Người chúng tôi muốn nhắc đến là phát thanh viên Đỗ Đăng Trình (ảnh) (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương).

Với Đỗ Đăng Trình, phát thanh viên là một mối lương duyên bất ngờ bởi anh không dự định chọn nghề này. Tốt nghiệp du lịch OSC Việt Nam tại Vũng Tàu năm 1991, Trình từng 5 năm công tác tại Công ty Du lịch Sông Bé. Hồi đó, anh là “cây văn nghệ” số 1 trong công ty. Năm 1993, tại hội thi đơn ca tỉnh Sông Bé, anh ẵm về giải nhất với hai ca khúc “Mừng tuổi mẹ” và “Con đường chiều quê hương” bằng chất giọng ngọt ngào, ấm áp hiếm có bấy giờ. Đây chính “cầu nối” đưa Trình đến với nghề phát thanh viên bởi sau giải thưởng đó, trong cuộc họp mặt văn nghệ sĩ tại Đài Phát thanh Sông Bé, Trình được mời tham gia và được phóng viên mời trả lời phỏng vấn… Với gương mặt “ưa nhìn” và chất giọng ấm áp, truyền cảm, Trình đã lọt vào “mắt xanh” ban giám đốc, của các anh chị phát thanh viên đài. Anh được Giám đốc Nguyễn Trung Hiếu mời về làm phát thanh viên của đài.

Đến với công việc mới chưa hề có một chút chuyên môn nghiệp vụ nào, Đăng Trình đã bắt đầu hành trình học tập không ngừng. Trình quan niệm rằng một khi đã lựa chọn thì cần phải nỗ lực hết mình để làm tròn “vai diễn”. Anh đã hoàn thành các lớp đào tạo chuyên nghiệp dành cho truyền hình như: Trung cấp phát thanh - truyền hình, trung cấp chính trị, rồi đại học báo chí… Nhưng trong quá trình cọ xát với nghề, người giúp Trình học được nhiều kinh nghiệm nhất và thành công trong nghề làm phát thanh viên sau này là bậc tiền bối Thủy Yến. Đăng Trình chia sẻ: “Chị Thủy Yến là người nghiêm khắc trong chuyên môn, nhưng lại rất tận tâm với đồng nghiệp và đặc biệt là với đội ngũ kế thừa. Tôi đã được chị dìu dắt, chỉ bảo rất nhiều”.

Đối với một phát thanh viên tại BTV, cần nhất là giọng chuẩn đặc trưng Nam bộ và phải luôn tròn vành rõ chữ. Ngoài ra còn cần thần thái biểu cảm của người dẫn chương trình... Đăng Trình chia sẻ: “Hồi đó, tôi rất vui khi được lên sóng truyền hình sau một thời gian ngắn học tập từ các anh, các chị phát thanh viên đi trước. Nhưng sau khi xem lại những hình ảnh của mình trên truyền hình thì có ý định “bỏ chạy” vì tự cảm thấy còn dở quá. Nhưng cũng vì thấy được cái dở đó nên bản thân đã học và học thật nhiều. Sau đó, bước vào năm thứ 3 tại ngôi nhà chung BTV, mình mới thấy đủ tự tin và yêu nghề đến hôm nay…”.

Giờ đây, sau hơn 20 năm nhìn lại, Đăng Trình thầm vui vì ít ra mình vẫn còn giữ được tiếng nói trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. Càng hạnh phúc hơn khi Đăng Trình vẫn còn được khán giả mến mộ qua các chương trình anh thực hiện hàng ngày. Được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình cũng tạo thêm cho anh động lực, tiếp tục cống hiến cho khán giả.

Với ngần ấy năm kinh nghiệm trong nghề, Đăng Trình nhắn nhủ đến thế hệ đàn em rằng người phát thanh viên muốn làm tốt nhiệm vụ cần phải có thần thái khi thể hiện. Nhưng để có được thần thái đó, người phát thanh viên phải có cái tâm, phải thật sự yêu nghề, không ngừng học hỏi từ mọi lĩnh vực của cuộc sống bởi chính họ là người đại diện cho tiếng nói của Đảng, Nhà nước và hơn nữa là đại diện cho tiếng nói của công chúng.

Với Đăng Trình, nghề phát thanh viên cũng như người diễn viên. Anh luôn cố gắng làm tròn từng vai diễn để hoàn thành tốt chuyên môn nghiệp vụ. Trong 8 năm trở lại đây, anh còn có thêm một niềm vui khác đó là được đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ hài gạo cội như: Hồng Nga, Thanh Thủy, Trung Dân, Bạch Long… mang lại tiếng cười cho khán giả khắp nơi. Với anh dù ở bất kỳ vai trò nào cũng phải rèn luyện và không ngừng học hỏi để không hổ thẹn với nghề. Có như thế, lòng mới thanh thản và cuộc đời mới hạnh phúc.

 Bài 5: Nhà báo Quỳnh Như: “Tình nghệ sĩ” thật đáng trân trọng

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=596
Quay lên trên