Nhóm nhà khoa học tại Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng nghiên cứu nano liposome có cơ chế thông minh, tự tìm diệt tế bào ung thư mà không hại tế bào lành.
GS Nguyễn Cửu Khoa, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư như: cắt bỏ, xạ trị (chiếu tia), hóa trị (dùng thuốc)... Trong đó sử dụng thuốc là phương pháp mang lại hiệu quả tức thì giúp ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, thuốc cũng là tác nhân ảnh hưởng tế bào lành trong cơ thể người khiến người bệnh bị tác dụng phụ như rụng tóc, rụng móng tay chân, suy giảm hoạt động của các cơ quan nội tạng... Vì thế nghiên cứu của nhóm mở ra hướng điều trị các bệnh ung thư bằng thuốc với hiệu quả cao nhưng ít tác dụng phụ.
GS Nguyễn Cửu Khoa làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, quận 1.
Từ năm 2009 GS Khoa cùng với nhóm 15 nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu phát triển loại vật liệu nano liposome làm chất dẫn truyền. Với hơn 20 năm nghiên cứu về công nghệ nano, GS Khoa cho rằng nano liposome là phù hợp. Vật liệu này có dạng hình cầu có lớp vỏ tổng hợp từ dầu đậu nành xếp lên nhau, giúp thẩm thấu nhanh qua ruột. Các hạt nano liposome chứa thuốc bên trong khi thẩm thấu qua ruột để vào mạch máu, đi vào tế bào ung thư.
Theo GS Khoa, các mô ung thư có đặc điểm phát triển nhanh hơn các mô lành nên các kẽ (dùng để lấy dinh dưỡng và oxy từ máu) kích thước lớn, từ 200 - 600 nanomet. Còn với các mô lành, có kích thước nhỏ hơn từ 2,5 - 3 nanomet. Vì thế khi các hạt nano liposome (100 - 150 nanomet) vào sẽ đến các mô ung thư theo cơ chế thụ động, các mô lành sẽ không bị ảnh hưởng. Với sự thay đổi nồng độ pH, các hạt nano liposome vỡ ra, giải phóng thuốc điều trị tại mô ung thư với hiệu quả cao hơn.
Kết quả nghiên cứu được nhóm thí nghiệm trên 100 chuột đã cấy tế bào ung thư vú của người và loại bỏ hệ miễn dịch. Nhóm sử dụng thuốc 5-Fluorouracil (5-FU) đối với 3 lô chuột thực nghiệm. Kết quả sau 2 tuần, lô chuột dùng làm đối chứng trắng (cho uống nước muối sinh lý) khối u tăng kích thước. Chuột sử dụng 5-FU làm đối chứng dương kích thước khối u giảm 42%. Lô chuột sử dụng F-5U được dẫn truyền bằng hạt nano liposome kích thước khối u giảm 74%. Thông qua việc khối u giảm kích thước, nhóm có cơ sở chứng minh khả năng hướng đích, tìm tế bào ung thư thụ động của nano liposome giúp tăng hiệu quả ức chế tế bào ung thư.
Từ thành công này, năm 2019 nhóm nghiên cứu tiếp tục sử dụng nano liposome dẫn truyền một số thuốc đông y như sử dụng cao rong nâu biển (fucoidan) điều trị ung thư phổi, cao gừng trị ung thư gan, cao cần tây điều trị ung thư vú.
Theo ông Trần Chí Thành, nghiên cứu chuyên ngành y sinh, Giám đốc công ty Sắc Mộc Tinh, nano liposome là vật liệu được giới khoa học trên thế giới nghiên cứu nhiều năm gần đây. Vật liệu này được coi là chất mang thuốc đến các mô viêm do ung thư gây ra. Ông cho rằng nano liposome không tự nhận biết tế bào ung thư mà do con người gắn cho nó ở những nơi được cho là các mô viêm. Tuy nhiên "đây là nghiên cứu thiết thực mở ra một hướng mới, chủ động sản xuất thuốc thông minh điều trị ung thư trong nước", ông nói.
Do chưa thử nghiệm lâm sàng trên người, các sản phẩm từ nano liposome hiện được nhóm nghiên cứu sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng. Theo ông Khoa, để thử nghiệm lâm sàng và được công nhận là thuốc trị ung thư là con đường dài.
Theo VNE