Nhà máy xử lý nước thải Thuận An: Vì mục tiêu bảo vệ môi trường

Cập nhật: 09-10-2020 | 19:22:26

Nhà máy xử lý nước thải Thuận An (nhà máy) được đầu tư hiện đại, chất lượng nước sau xử lý bảo đảm quy chuẩn, thân thiện môi trường. Nhà máy được đầu tư với mục tiêu thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường nước của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải đến các hộ gia đình cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Thuận An

Bảo đảm quy chuẩn, thân thiện môi trường

Nhà máy được đưa vào sử dụng từ năm 2017 (giai đoạn 2), là một trong những dự án cải thiện môi trường Nam Bình Dương, công suất xử lý 17.000m3/ngày đêm. Quy mô giai đoạn 1 của nhà máy thu gom trên diện tích 3.163ha với 17 trạm bơm nâng. Mạng lưới thu gom tại TP.Thuận An là 290.000m, cùng 73.305m ống chuyển tải, 216.736m ống thu gom, 1.719 bộ hố ga, 19.587 bộ hộp đấu nối và hệ thống thiết bị dùng để vận hạnh và bảo trì mạng lưới.

Hiện nay, công suất vận hành của nhà máy khoảng 9.500 - 10.000m3/ngày đêm, đạt 56 - 59% công suất thiết kế (17.000m3/ngày đêm). Nước thải sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A) trước khi thải ra môi trường. Mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt khu vực Thuận An có phạm vi thuộc địa bàn 5 phường, bao gồm: Lái Thiêu, Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú và Vĩnh Phú với tổng cộng 21.610 hộp đấu nối, 290km đường ống các loại. Tính đến ngày 8-10, trên địa bàn TP.Thuận An có 3.560 hộp trên tổng số 21.610 hộp đã đấu nối, chiếm tỉ lệ 16,47%. Trong đó, phường Lái Thiêu có tỷ lệ đấu nối đạt 17,10%, cao nhất thành phố.

Ông Lê Vũ Tiến Hưng, Phó Giám đốc nhà máy, cho biết: “Hiện nhà máy sử dụng công nghệ ASBR - xử lý nước thải sinh hoạt bùn hoạt tính. Trước khi nước thải được xả ra môi trường sẽ được xử lý khử trùng bằng hệ thống UV, không có tạp dư hóa chất, đạt quy chuẩn 14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý có các thiết bị online để giám sát xử lý nước thải 24/24 giờ, vận hành tự động và bán tự động, có sự giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường”.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đấu nối thu gom nước thải là rất tiện ích, song phải nhìn nhận, hiện nay việc thu gom nước thải của hàng trăm ngàn hộ gia đình, cơ quan gặp khó khăn. Hiện tại, tỷ lệ đấu nối nước thải trên địa bàn thành phố còn thấp, nước thải sinh hoạt của các hộ dân đang xả thẳng kênh rạch, cống, suối. Nhiều người dân chưa ý thức được việc thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm ô nhiễm, gây nguy hiểm trực tiếp và khó khắc phục. Do đó, đấu nối nước thải chính là chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khỏe chính mỗi người dân.

Ông Phạm Cố Chiếu, người dân khu phố Bình Đức, phường Lái Thiêu, chia sẻ: “Nhà tôi đã đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt. Tôi nhận thấy việc đấu nối không chỉ bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mọi người trong gia đình mà còn giúp giảm chi phí mỗi khi xử lý hệ thống vệ sinh”. Tham gia đấu nối hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt chính là góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt và các sinh vật dưới nước, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ thu gom, đấu nối nước thải sinh hoạt tại TP.Thuận An vẫn còn thấp. Nguyên nhân do hệ thống thu gom nước thải là hệ thống thoát nước riêng (chỉ thu gom nước thải, không thu gom nước mưa, đấu nối trực tiếp, bỏ qua hầm tự hoại) còn khá mới mẻ đối với người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về hệ thống thu gom nước thải riêng và công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế nên vận động đấu nối rất khó khăn, cần thêm thời gian. Ngoài ra, người dân đã xây nhà kiên cố nên e ngại đào bới trong nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán...

Ông Lê Vũ Tiến Hưng, cho biết: “Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia đấu nối nước thải. Phải xây dựng kế hoạch mục tiêu cụ thể và triển khai rộng rãi xuống từng phường, khu phố và từng hộ dân để đẩy nhanh tỉ lệ đấu nối đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tập trung đấu nối các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ và các nguồn xả thải lớn như khu dân cư, khu thương mại. Cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ dân để thực hiện đấu nối”.

Để phát huy công năng, lợi ích từ công trình này, nhà máy đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia đấu nối vào hệ thống, cũng như thực hiện thủ tục, hồ sơ đăng ký nhanh chóng, hỗ trợ thi công cho người dân và bảo trì tốt hệ thống sau khi đấu nối. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương, cho biết: “Nhà máy là một trong 7 tiểu dự án được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án nhằm mục tiêu cải thiện môi trường vệ sinh ở TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An, bằng việc mở rộng và xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước nước thải đô thị. Từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống trong khu vực kể cả vùng phía dưới sông Sài Gòn ở TP.Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng”.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết
Tags
Thuận An

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1588
Quay lên trên