Nhà ở xã hội: Lời giải cho mong ước “an cư lạc nghiệp”?

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Mong muốn gần - hiện thực xa

Kỳ 2: Mừng, lo nhà ở xã hội

Nhà ở cho các đối tượng là người nghèo, công nhân lao động (CNLĐ), học sinh, sinh viên... vẫn đang là một vấn đề bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi thế nào là thu nhập thấp (TNT)? Với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng so với mặt bằng chung hiện nay thì người nghèo phải tích cóp để đủ mua một căn hộ khiêm tốn cũng mất vài chục năm trời. Từ thực tế như vậy, dù trông đợi nhưng với người TNT và CNLĐ với đồng lương còm cõi sau khi trừ các khoản chi tiêu thì thu nhập còn lại nếu đi thuê nhà đã là chuyện khó chứ chưa nói đến chuyện mua nhà.

Sẽ có những bất cập

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là những dự án nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở cho người TNT liệu giá cả có thấp như mục tiêu đặt ra? Tại Bình Dương, trong 2 dự án được khởi công là dự án NƠXH Phú Hòa do Sở Xây dựng tỉnh đầu tư và dự án nhà ở An Sinh, xây dựng nhà ở cho người có TNT tại khu vực đô thị do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, tại xã Chánh Mỹ, TX.TDM. Quy mô xây dựng 3,08 ha, tổng diện tích sàn 95.396m2, vốn đầu tư xây dựng ước tính trên 555 tỷ đồng. Với dự án NƠXH chung cư Phú Hòa nằm ở khu dân cư Phú Hòa (phường Phú Hòa, TX.TDM) được xây dựng gồm 2 nguyên đơn, 1 trệt, 5 lầu trên khu đất có diện tích hơn 4.000m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 6.418m2 với 117 căn hộ có đầy đủ hạ tầng như: Công viên, cây xanh, nhà xe... giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 người; tổng vốn xây dựng 26 tỷ đồng. Đây cũng là dự án NƠXH đầu tiên ở Bình Dương được triển khai xây dựng từ vốn ngân sách Nhà nước không bán mà chỉ cho thuê. Đến khoảng tháng 8 năm nay sẽ có 114 căn hộ đầu tiên được cho thuê, những người có đủ điều kiện sẽ nộp hồ sơ đăng ký thuê nhà với chủ đầu tư. Đối tượng được thuê căn hộ là cán bộ công chức khối cơ quan cấp tỉnh. Theo Sở Xây dựng, giá thuê nhà hiện nay chỉ là tạm tính với mức giá trung bình là 30.000 đồng/m2/tháng, giá chính thức sẽ được công bố sau khi hồ sơ quyết toán của chung cư Phú Hòa được phê duyệt. Với mức giá như vậy, nếu tính một căn hộ 30m2 thì giá thuê khoảng 900.000 đồng/tháng. Như vậy, đối tượng cán bộ công chức có TNT muốn ở căn hộ thì phải trả hàng triệu đồng, chưa kể các khoản phí khác như: Giữ xe, rác... thì không phải chuyện đơn giản. Mặc dù ở căn hộ này có đầy đủ tiện nghi đáp ứng được các điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình nhưng đối với người TNT thì thu nhập hàng tháng vẫn là quan trọng nên một số người cho rằng Nhà nước cần tính toán lại giá cho thuê sao cho ưu đãi hơn. Nhiều người cũng lo ngại liệu NƠXH cho thuê đến được đúng đối tượng cho người có TNT? Nếu mức giá cho thuê hàng triệu đồng/tháng đối với người có thu nhập ổn định là chuyện bình thường nhưng đối với người có TNT thì để trả hàng triệu đồng/căn hộ/tháng là cả một vấn đề và nếu họ có được thuê căn hộ NƠXH với mức giá ưu đãi hơn thì rất nhiều khả năng họ lại phải cho thuê lại căn hộ này cho những người có mức thu nhập khá hơn để có thêm thu nhập hàng tháng.

 Một dãy nhà trọ công nhân

Lương với không tới

Chưa đầy 14 năm, bức tranh kinh tế Bình Dương gần như được “vẽ lại” một cách sinh động, trước hết và bắt đầu từ mũi đột phá công nghiệp, đến nay Bình Dương đã thu hút hơn 700.000 CNLĐ ngoài tỉnh về đây làm việc, sinh sống. Đây là nguồn “tài sản” giúp Bình Dương nhanh chóng trở thành một “nam châm” để thu hút và phát huy mọi cơ hội, tạo ra nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà trước hết là phát triển công nghiệp. Hầu hết CNLĐ đang rất cần đến chỗ ở ổn định lâu dài để an cư lạc nghiệp, ổn định đời sống. Trên thực tế, giá mua một căn hộ thương mại có diện tích khoảng 50- 60m2/1 căn, đơn giá là 15 triệu đồng/1m2 = 750 triệu đồng/căn. Còn NƠXH của Bình Dương đang đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 30m2 có giá khoảng 7.000.000 đồng/1m2, vậy 30m2 x 7.000.000 đồng/1m2 = 210 triệu đồng/1 căn. Cho đến thời điểm hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) là 3 triệu đồng/người/1 tháng. Với mức thu nhập khá khiêm tốn này, những đối tượng là CNLĐ có TNT khó mà có khả năng trả được chi phí căn hộ khiêm tốn có diện tích tối thiểu là 55 - 60m2 trong các khu đô thị mới với mức giá ưu đãi và điều kiện trả góp rất dài. Một điều nghịch lý của thực trạng bất động sản ở Bình Dương đang diễn ra mà chắc hẳn ai cũng nhận biết đó là “thừa căn hộ trong khu dân cư cao cấp, thiếu nhà ở cho người TNT ở đô thị và NLĐ”. Bởi trong khi nhiều dự án ở các huyện như Bến Cát, TX.Thuận An, TX.Dĩ An... chủ đầu tư đang rao bán bị ế ẩm, thiếu đầu ra với căn hộ bỏ không, cỏ mọc um tùm, xuống cấp, thì một số lượng lớn NLĐ, người TNT vượt quá tầm tay không sở hữu được căn nhà để ở phải đi thuê mướn những căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp.

Làm một bài toán để so sánh hệ số lương của sinh viên mới ra trường làm việc trong những cơ quan hành chính sự nghiệp có hệ số 2,34 x 830.000 lương tối thiểu thì mỗi tháng lương của CBCNVC thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Mức lương như vậy, với giá cả hiện nay thì chưa đủ nuôi sống bản thân, nói chi đến nuôi vợ con và để dành có thể mua NƠXH. Vì thế những người làm công ăn lương, sinh viên mới ra trường, những người TNT ở thành thị còn lâu mới sở hữu được căn nhà cho riêng mình.

Làm sao gắn bó được vùng đất đã chọn?

Bình Dương là một trong những tỉnh nộp ngân sách lớn trong cả nước. Lực lượng LĐ, chất lượng nguồn LĐ là nhân tố quyết định hiệu quả đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Trong những năm qua, công bằng mà nói, công nghiệp Bình Dương hiện vẫn chưa hội đủ các nhân tố để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Trước hết là nguồn nhân lực, dân số Bình Dương khoảng 1 triệu người, LĐ của tỉnh khoảng hơn 700.000 người, trong đó hơn 70% là LĐ ngoài tỉnh. Với lực lượng LĐ ngoài tỉnh lớn như vậy đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp về số lượng, độ tuổi, có sức khỏe tốt. Song lực lượng LĐ đa số là từ ngành nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, nên chất lượng nguồn LĐ còn hạn chế về trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Vì vậy, để LĐ đạt được trình độ tay nghề cao, tác phong công nghiệp tốt tạo ra sản phẩm cho năng suất, chất lượng thì phải qua kế đời sau (tức là con, cháu của họ). LĐ ngoài tỉnh thực chất đó là sự chuyển đổi nơi làm việc, việc làm của NLĐ từ tỉnh này đến tỉnh khác nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người như: Điều kiện kinh tế tốt hơn, điều kiện giáo dục, học tập, chăm sóc y tế tốt hơn, đoàn tụ gia đình... Phải thấy rõ là LĐ ngoài tỉnh không thể LĐ, sinh hoạt, đi lại, quan hệ độc lập riêng rẽ mà có quan hệ mật thiết với dân sở tại. Những năm qua do nhiều nguyên nhân mà tỉnh và các cơ quan có liên quan đã không giải quyết được các nhu cầu cơ bản cho lực lượng ngoài tỉnh này để giúp cho họ có cuộc sống ổn định. Đó là các nhu cầu về nơi ăn chốn ở, nhà trẻ... mà thiết thực nhất là nhà ở. Hiện lực lượng LĐ đông đảo này đang chủ yếu mạnh ai nấy ở bằng cách thuê nhà trọ trong dân. Cùng với đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, tương lai con cái của họ có nhiều nguy cơ thua thiệt, lại sống cảnh tha phương không ổn định về mọi mặt, nên khi các tỉnh nơi họ ra đi mở ra các KCN với những cơ hội không kém phần hấp dẫn thì họ không có lý gì để tiếp tục ở lại, kéo dài thêm những ngày sống và làm việc trong một tâm trạng không lấy gì thoải mái, an tâm. Và sự thật thì cho đến nay, hầu như địa phương nào trên cả nước cũng đã và đang lần lượt ra đời các KCN, ngoài những chính sách thu hút LĐ hấp dẫn, những KCN thành lập sau đã tích cóp được những kinh nghiệm, từ đó tạo ra lợi thế so sánh. Chẳng hạn, NLĐ đi làm ăn cơm nhà, không phải thuê nhà; những người có tay nghề vững được ưu tiên tuyển dụng với mức lương và chế độ hấp dẫn; được hưởng các nhu cầu văn hóa tinh thần với gia đình, có điều kiện tìm hiểu để xây dựng gia đình. Đây chính là cơ hội lý tưởng để LĐ nhập cư “hồi hương”, bỏ lại cho các KCN nguy cơ khủng hoảng về nguồn nhân lực khó có thể khắc phục là điều không tránh khỏi. Câu hỏi lớn đang đặt ra cho Bình Dương: Phương án nào và quyết sách gì để giải quyết nhu cầu đời sống cho lực lượng LĐ ngoại tỉnh chiếm số đông này để họ có thể yên tâm “an cư lạc nghiệp”?

Với lực lượng lớn NLĐ, người TNT, học sinh, sinh viên cho thấy áp lực về NƠXH ở Bình Dương là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay việc xây dựng nhà ở cho đối tượng này vẫn đang là bài toán đang tìm lời giải, hầu như chưa có chuyển động đáng kể. Như vậy để “giữ chân” được NLĐ thì Bình Dương phải có bước đột phá trong xây dựng nhà ở cho NLĐ để họ được “an cư lạc nghiệp”, yên tâm làm việc và gắn bó ở vùng đất mà họ đã chọn.

VĂN SƠN

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương TRẦN VĂN LIỄU: Xây dựng nhà ở để NLĐ ổn định, gắn bó lâu dài

Chương trình NƠXH hiện đang triển khai cho 4 nhóm đối tượng có TNT. NƠXH cho người TNT nói chung và cho công nhân LĐ nói riêng là một chủ trương lớn, là yêu cầu cấp thiết đối với công nhân, đây cũng là bước đi đúng hướng để người TNT ổn định cuộc sống nhưng bước đi và tổ chức thực hiện rất quan trọng như các chính sách, vốn, cơ sở hạ tầng để người dân tham gia đầu tư xây dựng. Làm sao hình thành được đội ngũ công nhân để ổn định lâu dài? Vậy xây dựng NƠXH là vấn đề rất cấp bách. Mỗi năm sau Tết Nguyên đán, Bình Dương mất từ 10 - 15% LĐ, như vậy để doanh nghiệp giữ chân được công nhân phải thực hiện tốt các chế độ và xây dựng nhà ở để NLĐ ổn định gắn bó lâu dài.

Kỳ 3: Cần những giải pháp đồng bộ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=470
Quay lên trên