Nhà ở xã hội: Lời giải nào cho mong ước “an cư lạc nghiệp” ?

Cập nhật: 25-07-2011 | 00:00:00

Đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một chủ trương hợp lòng dân được mọi người trông đợi. Nhu cầu về nhà ở cho đối tượng này là rất lớn, nhưng đáp ứng thực tế tại Bình Dương thì còn rất khiêm tốn. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện một số dự án trên địa bàn 3 thị xã phía Nam của tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) bị chậm lại. Nhiều dự án đã đăng ký nhưng không triển khai, các dự án đã triển khai thì không hoàn thành đúng tiến độ dẫn đến việc giải quyết nhu cầu về NƠXH của người dân trong thời gian qua không bảo đảm về số lượng và tiến độ...

Có triển khai, kết quả chưa cao

Vấn đề NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại đô thị và người lao động, học sinh, sinh viên là một vấn đề mà các cấp chính quyền và các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương rất quan tâm. Từ những thực tế, vấn đề giải quyết nơi ở cho những đối tượng nói trên cũng đặt ra cho Bình Dương nhiều khó khăn và thách thức. Bắt đầu từ năm 2008, UBND tỉnh phê duyệt đề án thí điểm xây dựng NƠXH dành cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp ở đô thị với tổng số 12 chung cư đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 7.200 người, trong đó có 3 chung cư được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Sở Xây dựng đã triển khai lập dự án của 3 dự án NƠXH đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Mặc dù các ngành chức năng đã quyết liệt tập trung cho xây dựng NƠXH nhưng đến nay, đã triển khai đầu tư xây dựng được duy nhất 1 chung cư tại phường Phú Hòa, TX.TDM, dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong quý III-2011. Còn  chung cư tại phường An Phú, TX.Thuận An, sau 3 năm triển khai nay dự kiến vào quý IV-2011 mới khởi công xây dựng.

 

Một dãy nhà ở cho CBCNLĐ do doanh nghiệp xây dựng

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù trong những năm 2009 và 2010, Sở Xây dựng Bình Dương cũng đã tổ chức hội nghị để công bố các chương trình, kế hoạch và kêu gọi các chủ đầu tư đăng ký dự án xây dựng NƠXH, thế nhưng sau 3 năm triển khai, Bình Dương có tổng cộng 33 dự án NƠXH; trong đó, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có 4 dự án (3 dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, có 1 dự án DN đăng ký tham gia); về nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo có 5 dự án (dự án Ký túc xá trường Cao đẳng nghề Đồng An do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và 4 dự án DN đăng ký tham gia); về nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã có 17 dự án DN đăng ký xây dựng và nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị có 7 dự án DN đăng ký tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 dự án đã đưa vào sử dụng, 3 dự án đang thi công xây dựng, 2 dự án chuẩn bị thi công xây dựng, các dự án còn lại đang thực hiện lập hoặc đã phê duyệt dự án nhưng chưa triển khai. Tổng số đã triển khai cơ bản hoàn thành được khoảng hơn 206.000m² sàn, đáp ứng chỗ ở cho 13.480 người với tổng vốn đầu tư ước tính 1.160 tỷ đồng.

Ưu đãi chưa hấp dẫn?

Dù đã có nhiều chế độ ưu đãi, khuyến khích DN tham gia xây NƠXH: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng NƠXH; được áp dụng thuế suất VAT là 0% với các hợp đồng thuê, thuê mua NƠXH và các hợp đồng mua bán NƠXH... Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng NƠXH ở Bình Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người thu nhập thấp. Số lượng dự án đăng ký rất nhiều song phần lớn mới chỉ là ý tưởng do chưa có quỹ đất, quy hoạch, thiết kế, nguồn vốn... Dự án NƠXH đầu tư từ vốn ngân sách còn ít, chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm để đầu tư xây dựng NƠXH từ nhiều nguồn vốn. Đa số các dự án nhà ở nói chung và các dự án NƠXH nói riêng triển khai đều chậm, kéo dài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại hạn chế về năng lực tài chính, vướng mắc trong công tác bồi thường giải tỏa; chủ đầu tư các dự án NƠXH không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Một số dự án nhà ở thương mại không quy hoạch quỹ đất để xây dựng NƠXH. Song song với đó, tình hình biến động, suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển thị trường bất động sản và các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NƠXH của Trung ương chưa thu hút, khuyến khích được DN tham gia đầu tư xây dựng. Sự phối hợp giữa các ngành và huyện, thị xã có mặt chưa đồng bộ trong việc tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chính sách, cơ chế ưu đãi, kêu gọi dự án NƠXH.

Trong khi đó lợi nhuận từ mảng thị trường này không nhiều (tối đa 10%) như thị trường nhà ở thương mại. Do đó các dự án NƠXH chưa thực sự thu hút được quan tâm của nhà đầu tư. Chỉ đơn giản một căn nhà thương mại có diện tích từ 50 - 70m2, giá thành hiện nay đã lên tới trên dưới 500 triệu đồng. Để giảm giá thành xuống vừa với khả năng của người thu nhập thấp sẽ khó bảo đảm chất lượng của công trình. Chưa kể, với những khu đô thị mới ở vị trí đẹp, giá sẽ lên rất cao, bởi bất động sản liên quan mật thiết đến địa điểm. Trong khi đó lao động nhập cư nhiều, tập trung chủ yếu ở phía Nam của tỉnh, nơi được xem là một trong những vị trí đất đắt đỏ. Do đó các dự án NƠXH chưa thực sự thu hút được quan tâm của nhà đầu tư. Mặc dù theo quy định khi chủ đầu tư xây dựng xong phần móng có quyền huy động vốn không quá 70% (tức người sử dụng căn hộ bằng hình thức góp vốn) để chủ đầu tư tiếp tục hoàn chỉnh bàn giao căn hộ nhưng thực tế không có người đăng ký. Có một thực trạng đang diễn ra, người có tiền không mua những căn hộ dành cho người thu nhập thấp vì khả năng đầu tư vào kênh này ít có lời. Trong khi những người thu nhập thấp đang rất cần chỗ ở thì không có tiền để mua. DN đầu tư vào xây dựng NƠXH thì không huy động được nguồn vốn từ hội đồng góp vốn để hưởng căn hộ (tức người mua cùng góp vốn). Trong khi DN vay vốn thì lãi suất quá cao nên giá thành nhà xây dựng không hạ thấp được thì người thu nhập thấp khó tiếp cận được NƠXH. Do đó có một số dự án đã động thổ triển khai hơn 3 năm nhưng đến nay trở lại khu đất này chỉ nhìn thấy sơ đồ phối cảnh bạc màu, rách nát, diện tích đất vẫn  còn nằm trên giấy.

Cần xây 2,25 triệu m2 sàn NƠXH

Sở Xây dựng Bình Dương thừa nhận, thời gian qua, tiến độ xây dựng NƠXH của tỉnh còn chậm. Theo dự báo của sở, từ nay đến năm 2015, tổng số người có nhu cầu NƠXH sẽ vào khoảng 437.000 người, tập trung vào 4 nhóm đối tượng: Cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo; công nhân lao động tại các khu công nghiệp; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân thuộc lực lượng vũ trang có tổng số khoảng 70.000 người. Dự kiến khoảng 10% số lượng trên có nhu cầu về NƠXH là 7.000 người. Tổng số lượng sinh viên trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương là 30.000. Dự kiến khoảng 1/3 số lượng trên có nhu cầu về ký túc xá sinh viên khoảng 10.000 người. Số lao động công nhân trên địa bàn Nam Bình Dương khoảng 700.000 người. Lao động ngoài tỉnh chiếm hơn 70% là khoảng 500.000 người, dự kiến 60% số lượng trên có nhu cầu về nhà ở là 300.000 người. Năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa Nam Bình Dương là 80%, dân số toàn tỉnh là 2 triệu; dân số khu vực Nam Bình Dương là 1,5 triệu, dân số đô thị Nam Bình Dương là 1,2 triệu, ước tính tỷ lệ dân số có thu nhập thấp trên địa bàn đô thị Nam Bình Dương là 10% bằng 120.000 người, tương đương là 30.000 hộ. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tổng diện tích m² sàn cần đến năm 2015 là 2,45 triệu m² sàn. Hiện tại, với 206.000m² sàn đã triển khai cơ bản hoàn thành theo dự án thì số lượng m² sàn cần xây dựng của chương trình là: 2,25 triệu m².

Thực chất loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà chủ yếu mang tính phúc lợi xã hội là chính. Mặc dù chủ trương của Bình Dương trong những năm qua đã đề ra kế hoạch cần xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Bằng các hình thức thí điểm dự án nhưng phương thức giải quyết nhà ở cho đối tượng là người nghèo, công nhân lao động, học sinh, sinh viên... vẫn đang là vấn đề bức xúc.

Tại cuộc họp ngày 4-7 nhằm thông qua Chương trình phát triển NƠXH giai đoạn 2011-2015; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho rằng, quan điểm đầu tư xây dựng NƠXH của tỉnh phải theo dự án và phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Ưu tiên phát triển NƠXH tại các địa bàn khu đô thị, khu trung tâm, địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, tránh đầu tư dàn trải và bảo đảm kiến trúc xây dựng. Phát triển NƠXH ở Bình Dương theo chính sách an sinh xã hội. Xây dựng NƠXH là vấn đề không hề dễ dàng, mặc dù Chính phủ, các bộ ban hành một số chính sách nhưng chưa khuyến khích được nhà đầu tư. Nhà ở cho người thu nhập thấp hiện đang gặp nhiều khó khăn nên cần có những chính sách, bước đi thật phù hợp. Các mô hình NƠXH phải phù hợp với từng đối tượng để tránh làm “nản lòng” những người có thu nhập thấp.

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên