Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tiếng hát Quốc ca”

Cập nhật: 23-07-2012 | 00:00:00

Nhà thơ tướng quân Huỳnh Văn Nghệ viết bài thơ về người chiến sĩ thương binh hát Quốc ca để thắng cái chết, thắng nỗi đau cưa chân bằng cưa thợ mộc. Đó là bài thơ Tiếng hát Quốc ca của Huỳnh Văn Nghệ viết vào những ngày đầu năm 1946.

  Nhà thơ tướng quân Huỳnh Văn Nghệ tại chiến khu Đ.Năm 1948 tôi đang là học sinh trung học. Ngày đó lần đầu tiên tôi được dự hội nghị văn nghệ tỉnh tại thị trấn Ngân Sơn bên dòng sông Phường Lụa thơ mộng. Mấy phút giải lao, nhà văn Ngô Tịnh Hà (em ruột nhà thơ Xuân Diệu), Tổng biên tập đặc san Nhánh lúa Hội Văn nghệ tỉnh Phú Yên cho tôi xem Tạp chí Tiếng rừng của Phân hội Văn nghệ miền Đông Nam bộ. Đọc đến trang giữa tôi gặp bài thơ Tiếng hát Quốc ca, bài thơ như bắt tôi dừng lại ở những câu thơ “Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng giọt đỏ bông/ Hai tay anh siết chặt đôi hông/ Dồn đôi phổi vào trong tiếng hát.

Tôi đọc tiếp câu thơ nói rõ “Bác sĩ đang cưa chân/ Một thương binh bằng cưa thợ mộc”. Chừng ấy mấy câu thơ, hình ảnh người chiến sĩ thương binh và tên tác giả cứ chập chờn trước mắt tôi, trong trí tôi, tôi như sờ được, sờ những câu thơ không phải tả mà vẽ bằng màu đỏ của máu, sờ lên tên tác giả tôi thấy cộm ở đầu ngón tay. Bài Tiếng hát Quốc ca đưa cái mới vào thơ kháng chiến.

Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ viết về người thương binh đang được bác sĩ cưa chân bằng cưa thợ mộc, là một nét mới. Cái mới của lịch sử, lịch sử những ngày đầu kháng chiến thiếu thốn trăm bề. Mới nữa là khí phách anh hùng từ ngoài chiến trận đến sự dũng cảm trên bàn mổ chịu đựng cưa chân như cưa củi. Và, cái mới hơn Tiếng hát Quốc ca ghi lại giây phút người thương binh nhìn lên ảnh Bác Hồ để nhân lên sức mạnh, nhân lên sức chiến đấu thắng cái đau đớn tột cùng, nhân lên lòng tin, tin ở Bác, tin ở chân lý, tin như Bác tin Nam bộ là chân lý: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Ở Tiếng hát Quốc ca, ta thấy trong thơ có người, có nhân vật, có sự việc, trữ tình lẫn trong tự sự, tự sự trong tình thơ.

Mãi đến tháng 10-1954, trong đêm khai mạc Đại hội Văn công toàn quân tại thị xã Hà Đông, được anh Từ Bích Hoàng, Trưởng phòng Văn nghệ quân đội, giới thiệu tôi gặp nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ - một cán bộ cao cấp, đại biểu một đơn vị quân đội Nam bộ về tham dự đại hội. Ngồi cạnh nhà thơ, tôi làm quen và đọc một đoạn bài thơ Tiếng hát Quốc ca. Nhà thơ im lặng cười nhẹ. Anh cho biết thêm vì sao anh viết Tiếng hát Quốc ca.

Vào một buổi trưa năm 1946, nằm trên võng vải (hồi ấy chưa có võng dù) ở một góc rừng chiến khu Đ. Nhà thơ không ngủ được vì nhớ mãi tiếng hát Quốc ca của người thương binh trưa ngày hôm trước đi ngựa công tác qua trạm quân y. Trong trạm có treo ảnh Bác, ảnh của một họa sĩ Nam bộ cắn ngón tay lấy máu mình vẽ hình Bác. Ảnh Bác mà người chiến sĩ thương binh nhìn lên để hát lúc chân đang bị cưa bằng cưa thợ mộc. Nhà thơ cả ngày như không yên được. Hôm ấy về, nhà thơ viết liền một mạch bài thơ vào cuốn Nhật ký chiến đấu để kịp chiều cùng đồng đội xuất kích. Một tháng sau Tiếng hát Quốc ca đăng ở Tạp chí Tiếng rừng và bộ đội rừng miền Đông đều chuyền tay nhau đọc thuộc. Một trưa trên đường miền Đông hành quân, bất ngờ trong trạm giao liên, một đồng chí thương binh đi chiếc chân giả đến ôm cứng nhà thơ, miệng lắp bắp không nói nên lời, hai mắt ướt long lanh. Nhà thơ biết đó chính là người chiến sĩ thương binh hát Quốc ca. Nhà thơ nói với tôi chậm rãi tâm tình: “Văn học nào mà không bắt nguồn từ nguyên mẫu của cuộc đời. Người chiến sĩ thương binh ấy là cái nguyên mẫu của bài thơ. Hồi ấy chuyện cưa chân, cắt tay bằng dao kéo thô sơ ở chiến trường Nam bộ nơi nào mà không có. Nhưng lại rất anh hùng, anh hùng đối với tôi”.

Rồi nhà thơ khe khẽ đọc đoạn thơ cuối, hình như đoạn thơ tâm đắc của nhà thơ. Anh đọc với một giọng Nam bộ chân chất giàu xúc động: “Cả núi rừng/ Như còn văng vẳng nghe lời ca chiến sĩ/ Và vang trời ngựa hí/ Chí phục thù cháy bỏng dây cương”.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên