Lại một tin buồn quá đột ngột với anh chị em văn nghệ sĩ ở Bình Dương: Nhà thơ Nguyễn Tiến Đường đã rời cõi tạm! Ai nấy như không tin vào tai mình bởi vẫn nghĩ là anh đang “rong chơi” đâu đó.
Tôi hay gọi đùa anh là “lão ngoan đồng” mỗi khi thấy anh rung rung mái tóc bạc chấm vai, nhìn rất nghệ sĩ ngồi hút thuốc lào ung dung nhả khói. Giờ thì anh đã lãng du một chuyến cuối cùng, của đời người.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Đường sinh năm 1948 ở Phú Kim, Thạch Thất, Hà Tây (Hà Nội). Năm 1966 đến năm 1972, anh đi bộ đội, vào Trung đoàn Tên lửa 274 thuộc Sư đoàn 365 - bảo vệ vùng trời Hà Nội. Anh từng công tác tại đoàn Văn công Hà Tây, Việt Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, anh đi xây dựng kinh tế mới và làm cán bộ Công ty Cao su Bình Long… Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, từ năm 1993 đến nay về sống ở nhà trọ tại Bình Dương và viết báo, làm thơ. Thành tích của anh có thể kể đến như: Huân chương Kháng chiến Hạng III (1985); Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT (2000); Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ lần thứ: I, III, V do UBND tỉnh và Hội VHNT tỉnh tổ chức. Anh cũng được Bằng khen của UBND tỉnh năm 2015 về cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Đường
Anh mất vào rạng sáng ngày 2-6-2016 tại Bình Long. Gia đình đã an táng anh vào ngày 3-6-2016 ở Đạ Tẻ, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đây là nơi anh có người cháu mà anh từng lui tới để dưỡng bệnh.
Anh hầu như chỉ sống cho thơ, với thơ. Có thể kể đến một số bài thơ anh ưa thích như: Câu lục bát cuối mùa, Hoài niệm tuổi thơ… Có một điều đặc biệt là anh sẽ nói rất say sưa nếu có ai đó trong nhóm bạn bè đang cùng trò chuyện gợi ý về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh! Với anh, Bác thật cao vời, vĩ đại mà cũng giản dị vô cùng. Có lẽ vì thế, anh giật giải hầu hết các cuộc thi thơ viết về Người hoặc hưởng ứng phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Rong chơi trong cuộc đời này, anh luôn “ám ảnh” về thân phận lạc loài, như anh viết: “ Cánh đồng heo may/ Lúa nghẽn đòng gọi trăng làm bạn/ Nhật ký tên mình vào cuộc đất Bình Dương/ Khuất nẻo đường xa quê về với Lái Thiêu, vườn cổ tích/ Mẹ uỷ thác đường đi rộng dài sông bể/ Có không, tôi kẻ lạc loài…” (Hoài niệm tuổi thơ)…”Rong chơi lạc cõi đêm tàn/ Nhớ mùa mưa ấy em và tôi đi/ Hoa cau chưa kịp nói gì/ Trầu chưa bén lá cây thì vẫn xanh” (Câu lục bát cuối mùa)
Dường như văn nghệ sĩ vốn không coi trọng bản thân mình bởi họ bận lưu tâm tới người khác. Nguyễn Tiến Đường cũng vậy! Anh ít khi nghĩ hay nói về mình. Thế nên bệnh đến dặt dẹo thì bạn bè “bắt” anh vào bệnh viện. Đến lúc đau ốm, anh cũng không muốn làm phiền người khác. Còn nhớ lần anh bệnh nặng, nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đến thăm, anh cứ nhắc mãi: “Đừng báo cho ai biết nhé em. Nhất là các chị em của hội mình”. Có lẽ, anh không muốn bằng hữu nhìn thấy anh xanh xao, ốm yếu!
Nhẹ gánh phiêu bồng! Anh đúng là nhẹ gánh thật khi không thèm sở hữu bất cứ một loại giấy tờ gì. Cũng vì thế nên anh chị em trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã từng thật khó khăn khi “chứng minh nhân thân” của anh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Còn nhớ nhiều lần, chúng tôi cố gắng thuyết phục anh tìm một miếng đất của người thân, bạn bè để vận động kinh phí làm cho anh căn nhà tình thương anh cũng lắc đầu! Mọi thứ nhà cửa, xe cộ, công danh đối với nhiều người như là một mục tiêu. Anh thì không. Nên anh nhẹ nhàng. Nhẹ như làn khói thuốc lào anh ngửa mặt mà phả lên trời để gió cuốn đi…
Giờ thì “lão ngoan đồng” đã thực sự rong chơi! Bình an anh nhé!
Quỳnh Như