Nhà trọ cho sinh viên: Giá lại tăng

Cập nhật: 19-10-2011 | 00:00:00

Mỗi năm, khi các trường đại học (ĐH) rục rịch khai giảng là các nhà trọ khu vực xung quanh trường lại thừa cơ hội tăng giá. Tăng nhiều hay ít còn do lương tâm của chủ nhà trọ, nhưng dường như việc này đã trở thành thông lệ, gây thêm khó khăn cho sinh viên (SV), nhất là SV nghèo. 

Những SV may mắn được ở trong khu KTX của trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương

Nhà trọ tăng giá

SV Nguyễn Thị Ngọc Lai, trường ĐH Bình Dương cho hay, em ở trọ 3 năm nay, cứ mỗi năm nhà trọ tăng giá một lần, trung bình là 50.000 đồng/phòng. Năm nay, em muốn tìm phòng trọ nơi khác mới hơn, gần trường hơn để thuận tiện việc đi lại nhưng giá đến 1 triệu đồng, trong khi năm học trước bạn em ở chỉ có giá 600.000 - 700.000 đồng.

Khu vực gần các trường ĐH Bình Dương và ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương có khá nhiều nhà trọ nằm chen chúc trong khu dân cư. Tùy theo khu nhà trọ (KNT) vừa mới được xây dựng hoặc cải tạo hay đã cũ mà có mức giá khác nhau. Thử vào một KNT cách 2 trường khoảng 500m hỏi giá cả, chúng tôi được chủ nhà trọ báo giá tiền phòng từ 900.000 - 1 triệu đồng/tháng, internet miễn phí. Với mức giá trên thì những KNT này trông còn mới nên phòng trọ sạch sẽ, tường láng gạch men, cầu thang gác lửng bằng inox, internet miễn phí. Nhưng với mức giá trên thì những KNT thuộc loại hạng sang này chỉ dành cho những SV có khả năng về kinh tế. Đi xa hơn một chút, vào một đường đất đỏ trong khu K8 (Hiệp Thành), đa số các nhà trọ có giá 550.000 đồng/phòng 2 người và 600.000 đồng nếu ở 3 người. Hỏi thăm một vài SV đang ở đây, các em cho biết, tiền phòng ở đây giá rẻ hơn khu vực gần trường nhưng năm nay có nhích lên một chút so với năm học trước.

Từ khi trường ĐH Thủ Dầu Một được nâng cấp lên từ trường Cao đẳng Sư phạm, người dân quanh khu vực cũng nắm bắt được nhu cầu ở trọ của SV. KNT ở đây không nhiều, nên một vài chủ trọ thừa cơ hội làm giá. Nhiều SV ở xa đến chưa biết đường sá phải chịu bị o ép. Hồng Thanh, một SV đang ở trọ trong khu vực Vinh Sơn (Phú Hòa) than thở: “Em thuê phòng từ tháng 3 với giá  500.000 đồng, sau vài lần tăng giá, đến nay chủ trọ thu 650.000 đồng/phòng, chưa kể tiền nước, tiền rác... đã vậy, chủ trọ còn bắt ép ghép phòng, vì nếu ở 1 người họ khó có cớ tăng thêm tiền phòng”.

Tiền phòng trọ tăng, có nơi chủ nhà trọ còn thu tiền điện, nước giá trên trời. SV nào may mắn thì ở KNT được xài nước tự do, còn có nơi các loại phí này cao hay thấp còn do lương tâm của chủ trọ. Ngọc Lai cho biết, 3 năm nay chủ trọ thu tiền điện 3.000 đồng/kWh, còn nước là 5.000 đồng/m3. Còn Hồng Thanh thì cho hay, sau nhiều lần điều chỉnh giá điện - nước, do người ở trọ phản đối, hiện nay điện còn 2.000 đồng/kWh nhưng bù lại người ở trọ phải đóng thêm tiền nước, thay vì được sử dụng miễn phí như trước đây.

Nắm bắt tâm lý SV muốn tìm chỗ trọ gần trường để thuận tiện đi học, nên một số chủ nhà trọ thừa cơ hội này tăng giá phòng trọ. Nhưng điều này chỉ bắt chẹt được những SV mới, còn theo kinh nghiệm của SV cũ thì, nếu chịu khó đi xa hơn 1 - 2km thì nhà trọ có giá mềm hơn. Quốc An, SV trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, được bạn giới thiệu, em đang ở trọ tại khu vực gần ngã tư Địa chất (Phú Thọ), tiền phòng 500.000 đồng, ở bao nhiêu người là tùy khả năng của SV, chủ không bắt buộc.

Cần lắm khu ký túc xá cho SV

Để SV yên tâm học tập, trong điều kiện chưa cho phép, một số trường ĐH liên kết với dân tổ chức mạng lưới ký túc xá (KTX) cho SV. Các khu KTX này được tổ chức nề nếp, có người quản lý, an ninh trật tự ổn định. Thầy Nguyễn Đình Dũng, Trưởng ban quản lý KTX SV trường ĐH Bình Dương cho biết: “Mô hình xã hội hóa KTX đã được trường thực hiện 10 năm nay. Hiện nay có 25 cơ sở KTX theo kiểu này, đáp ứng chỗ ở cho trên 3.000 SV, tạo thuận lợi cho SV ăn ở và học tập tại trường”. Dù nhà trường có cố gắng, nhưng nếu so với nhu cầu thì hệ thống KTX do trường và dân hợp tác vẫn chưa đủ đáp ứng nơi ở cho SV, vì vậy, SV vẫn còn phải tìm nơi khác ở trọ, dễ bị chủ trọ làm giá vào mỗi năm học. 

Khu KTX dành cho SV của trường ĐH Kinh tế- Kỹ thuật Bình Dương

Sống xa nhà SV mong có được chỗ ở ổn định để yên tâm học tập, nếu được ở trong KTX của nhà trường thì SV sẽ càng thuận lợi hơn. Hiện nay, vì những lý do khác nhau, các trường chưa xây được khu KTX dành cho SV. Riêng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật, dù còn những khó khăn nhất định, trường vẫn đầu tư khu KTX cho SV với 500 chỗ. Dù không thấm vào đâu so với nhu cầu quá lớn, nhưng đây là sự cố gắng lớn của trường so với các trường khác.

Trước nhu cầu bức thiết về nơi ở của SV, theo quy hoạch phát triển cơ sở vật chất, giai đoạn từ năm 2013-2015, trong các hạng mục xây dựng của trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, có khu KTX dành cho SV. Đối với trường ĐH Thủ Dầu Một khi xây dựng cơ sở mới có diện tích 57 ha tại khu đô thị Thới Hòa (Bến Cát), trường sẽ dành trên 2.167m2 xây dựng khu ở nội trú cho SV. Như vậy, trong tương lai không xa, SV sẽ không còn lo lắng về nơi ăn ở khi theo học tại các trường ĐH trên địa bàn tỉnh.

A.Sáng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên
X