Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Đông Nam nợ tiền lương giáo viên tỉnh giảng:

Nhà trường đang lập thủ tục chi trả

Cập nhật: 07-03-2016 | 09:07:32

Được thành lập và đi vào hoạt động cách nay 10 năm, trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Đông Nam (TCKT-CNĐN) đã tuyển sinh được 10 khóa. Tuy nhiên kể từ năm học 2014 đến nay, nhà trường không tuyển sinh được khóa mới nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, dẫn đến nợ tiền lương của nhiều giáo viên, trong đó chủ yếu là những giáo viên thỉnh giảng…

Ngày 3-3, Tiến sĩ Huỳnh Văn Trọng, Hiệu trưởng trường TCKT-CNĐN đã cho biết như vậy khi trả lời P.V Báo Bình Dương về những khoản nợ mà nhà trường chưa thanh toán hết cho các giáo viên trong thời gian qua. “Nhà trường rất thấu hiểu từng hoàn cảnh của các giáo viên đã cống hiến vào công tác giảng dạy cho trường. Tuy gặp nhiều khó khăn trước mắt nhưng hiện trường đã hoàn tất các thủ tục về công nợ, bản thỏa thuận về thời gian thanh toán để chuẩn bị mời các giáo viên còn bị nợ lương đến ký kết. Cụ thể, tới đây trường tổ chức thanh toán làm 3 đợt, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11-2016. Với sự cố gắng của nhà trường trong việc tổ chức thanh toán nợ cho các giáo viên trong thời gian tới, hy vọng các giáo viên còn bị nợ lương sẽ đồng thuận hợp tác với trường để chúng tôi giải quyết chi trả trong thời gian sớm nhất”, tiến sĩ Huỳnh Văn Trọng cho biết.

Trước đó, cô Trương Thị Linh, đại diện cho các giáo viên bị nhà trường nợ tiền lương đã có đơn phản ánh gửi Báo Bình Dương, với mong muốn báo chí lên tiếng để các ngành chức năng sớm vào cuộc giải quyết các yêu cầu chính đáng của giáo viên, để họ sớm được nhận tiền thù lao do công sức lao động đã bỏ ra. Theo đó, nhiều giáo viên cho rằng kể từ năm học 2012-2013, các giáo viên được trường TCKT-CNĐN mời dạy học hệ Trung cấp sư phạm mầm non và tiểu học. Tuy nhiên cho đến nay (gần 4 năm học) nhưng nhiều giáo viên vẫn chưa được nhận tiền thù lao giảng dạy. Khi giáo viên hỏi về việc trả tiền lương thì được phía nhà trường hứa hẹn từ hết năm này sang năm khác và cho đến nay vẫn chưa được thanh toán…

Căn cứ theo các tài liệu mà chúng tôi đã thu thập được từ phía nhà trường cho thấy, những phản ánh của giáo viên là hoàn toàn có cơ sở và hợp pháp. Theo đó, đa số các giáo viên thỉnh giảng đều bị nợ tiền lương từ trên 13 triệu đồng, thậm chí có một số trường hợp bị nợ trên 30 triệu đồng.

Bày tỏ những khó khăn của nhà trường, Tiến sĩ Huỳnh Văn Trọng cho biết thêm: “Hiện trường TCKT-CNĐN chỉ còn lại khoảng 10 giáo viên cơ hữu và gần 400 học sinh đang theo học hệ Trung cấp sư phạm mầm non và tiểu học. Hiện các học sinh này đã hoàn tất chương trình học và đang đi thực tập tại các trường trên địa bàn để chuẩn bị tốt nghiệp trong năm nay. Tới đây khi học sinh của các lớp này ra trường rồi thì coi như nhà trường càng vắng bóng người học, bởi gặp phải những khó khăn chung của việc tuyển sinh hệ trung cấp…”.

 

 TRUNG HẬU 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên