Nhà tù Phú Lợi - Biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên trung – Bài 1

Thứ bảy, ngày 28/11/2015

(BDO)  Nhà tù Phú Lợi - Biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên trung – Bài 1

 Bài 1: Bằng chứng của tội ác

Nhà tù Phú Lợi được xây dựng năm 1957, để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam. Nơi đây từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với đủ loại cực hình tra tấn dã man. Trong đó đỉnh điểm tội ác của bọn đế quốc xâm lược được đánh dấu bằng sự kiện đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị vào ngày 1-12-1958. Sự kiện này gây chấn động thế giới, làm lay động hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình.

 Chiến tranh đã lùi xa, Nhà tù Phú Lợi khắc nghiệt năm xưa giờ đã trở thành di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (được xếp hạng ngày 10-7-1980). Hàng năm, khu di tích này đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Vừa qua, Nhà tù Phú Lợi được tỉnh đầu tư một khoản kinh phí lớn để khôi phục, sửa chữa. Với những người đã từng bị giam giữ nơi này sẽ không bao giờ quên những trận đòn roi; phòng kỷ luật với xà lim, cùm chân… cũng không làm lung lay được ý chí của người cộng sản mà càng tiếp cho họ thêm sức mạnh, thêm ý chí chiến đấu. Ông Bùi Văn Sửu, một cựu tù chính trị, hiện đang sinh sống ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một là một trong số những người đó.

Ông Sửu kể, sau Hiệp định Giơnevơ, 3 năm ròng rã (1954- 1957), Ngô Đình Diệm dùng sức mạnh bộ máy ngụy quân, ngụy quyền đàn áp, khủng bố và bắt bớ hơn 30 vạn người. Với số tù nhân khổng lồ, không thể nhốt hết ở nhà tù do Pháp trao lại, nên Mỹ - Diệm lập thêm nhà tù và trại giam mới trên đất 22 tỉnh, thành miền Nam Việt Nam, trong đó có trại giam Phú Lợi của tỉnh Thủ Dầu Một. Ngày 22-10-1956, ngụy quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 143- VN về việc cải tổ hành chính và quân sự nhằm tiến hành các mục đích chung và 3 khẩu hiệu “Chống cộng, chống thực, chống phong”, chủ yếu là chống lại phong trào của nhân dân ta đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vì vậy, thời gian này từ khám đường lớn nhất Bình Dương đến các trại giam khác ở tiểu khu, chi khu quân sự... đều không chứa hết mấy ngàn người yêu nước và khoảng 1.270 cán bộ, đảng viên bị bắt. Do đó, Mỹ - Diệm phải làm thêm một trại giam khác có tính chất đặc biệt hơn. Trên cơ sở đó, trại giam Phú Lợi được thành lập giữa năm 1957, nằm trong tiểu khu Phú Lợi.

 

Ông Bùi Văn Sửu, cựu tù chính trị thăm lại “Phòng kỷ luật”, nơi ông đã từng bị giam cầm tại Nhà tù Phú Lợi. Ảnh: T.THẢO

Đến cuối năm 1957, nhận thấy tên gọi Trại giam Phú Lợi không còn phù hợp nên địch cho đổi tên thành Trung tâm Huấn chính Phú Lợi. Lúc bấy giờ, Phú Lợi là 1 trong 4 trung tâm huấn chính lớn ở miền Nam Việt Nam gồm: Phú Lợi (có 3.340 người), Côn Sơn (có 2.843 người), Tân Hiệp, tỉnh Biên Hòa (có 1.031 người) và Thủ Đức (có 934 người). Còn theo tài liệu của ta thì đây là 1 trong 6 nhà tù lớn nhất, gồm Thủ Đức, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp (Biên Hòa), Côn Đảo và Phú Quốc. Nhà tù Phú Lợi cũng là nơi giam giữ các tù chính trị “thành án” từ nhiều địa phương khác đưa đến. Thời gian giam giữ không quá 6 tháng. Trong quá trình này, tù nhân được chúng “cải huấn tư tưởng” và chọn lọc sắp hạng tốt - xấu hoặc nặng - nhẹ về sự “hối cải” hay thái độ phản ứng để tiếp tục đày đi nữa hoặc trả tự do. Tuy nhiên, ở nhà tù này rất nhiều người bị giam giữ hàng năm trời, thậm chí có trường hợp như bà Nguyễn Thị Nguyệt đã bị chúng giam cầm 7 năm tại nơi này.

Dò dẫm đến từng khu vực phòng giam, ông Bùi Văn Sửu cho biết, Nhà tù Phú Lợi được chia thành 3 khu vực A, B, C. Khu A còn gọi là An Trí viện, là khu vực dành riêng cho việc giam giữ tù nhân có 3 trại lớn với tên gọi khác nhau. Từng trại lại phân ra từng phòng để nhốt riêng thường phạm và tù chính trị. Mỗi trại có sức chứa từ 300 - 500 người. Cả 3 trại có 9 phòng giam đánh dấu A, B, C, D… mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt; có hai cổng chính, cổng thứ nhất mang bảng Trung tâm cải huấn Phú Lợi, cổng thứ hai mang bảng An Trí viện”. Khu B là nơi làm việc. Khu C được xem là nơi “cải hóa” các tù nhân sau khi học lớp chính trị. Họ chờ ngày mãn hạn “an trí” để “phóng thích” theo sự nhận định của Ban quản tâm trung tâm từ cuối năm 1959 trở đi.

Ông Đào Văn Tiên, cựu tù chính trị đang sống ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một cho biết, khác với chế độ khắc nghiệt của Nhà tù Côn Đảo, chính sách của Nhà tù Phú Lợi chính là thực hiện giáo huấn, cải tạo bằng chính sách ru ngủ, bằng cơm ngon… nếu ai không có lập trường chính trị vững vàng sẽ theo chế độ nhà tù. Vì vậy, tiêu chuẩn để “phóng thích” chủ yếu là những ai qua đợt “cải hóa” mà đạt loại “tối ưu” và “ưu” trong kiểm tra nhận thức bằng hình thức viết hoặc vấn đáp. Ngược lại, những tù nhân được xem là bất trị sẽ bị giam cầm ở phòng kỷ luật với gạo mục cá ươn, nước mắm có dòi, thiếu nước… hoặc đày ra Côn Đảo. Tuy nhiên, có rất nhiều người, sau khi đã “an trí” được về quê thì tiếp tục hoạt động cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo ông Bùi Văn Sửu, đến cuối năm 1958, số tù nhân tại nhà tù này lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây. Đối với những người tù chính trị chống lại chế độ của chúng thì sự khắc nghiệt của Nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù khác lúc bấy giờ: Ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và kèm theo những đòn tra tấn, đánh đập dã man… Chúng còn đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân.

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng hôm nay khi đến thăm lại “Phòng kỷ luật”, ông Bùi Văn Sửu còn rợn người. Ông kể: “Những người chống chào cờ, chống học tập sẽ được đưa về đây. Chế độ ở phòng kỷ luật vô cùng khắc nghiệt. Tùy theo mức độ chống đối mà hình thức xử lý càng khác nhau. Ngày đó, chúng tôi còn trai trẻ mới chịu được những trận đòn roi, những kiểu tra tấn dã man của địch chứ nếu tuổi cao sức yếu chắc đã bỏ mạng chốn lao tù. Ở phòng kỷ luật này, bị giam ở xà lim là khổ nhất, chân bị cùm, lưng không ngồi thẳng vì trên đầu có kẽm gai, ăn uống kham khổ…”.

Đừng hỏi tên ai còn ai mất/ Sáu nghìn người chỉ một tên chung/ Chỉ một tên: hòa bình thống nhất/ Tên những người bất khuất trung kiên. Những câu thơ này của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã phần nào cho thấy ý chí kiên cường của những người tù chính trị tại nơi này. Với niềm tin chiến thắng, họ đã lên tiếng đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, chống tra tấn tù nhân... (còn tiếp).

 THU THẢO