Tôi thực sự nể phục sức viết đều đặn của nhà văn Phan Đức Nam (ảnh). Gần 20 năm tôi biết anh, chưa bao giờ thấy anh ngưng nghỉ với nghiệp viết. Năm 2017 này, anh ra mắt tập truyện ngắn Ma chữ (NXB Hội Nhà văn) làm tròn con số 20 đầu sách của anh trong sự nghiệp viết lách nhọc nhằn.
Nhà văn Phan Đức Nam là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Anh quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Anh viết văn từ những năm 1990 trở về sau này. Hiện anh sống và làm việc tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Điều đáng quý là làm gì thì làm nhưng… nghiệp viết vẫn đeo đẵng anh mãi và anh có quyền tự hào về điều này, về con đường khó mà anh đã chọn để dấn thân.
Từ năm 1990, anh đã xuất bản cuốn “Truyền thuyết Sao Tua” (dã sử) viết về Phan Bá Vành. Cuốn “Sư tử bạt” của anh được tái bản 5 lần cũng là điều làm cho bạn văn chương ngưỡng mộ! Một cuốn sách có dấu ấn nữa của anh là tiểu thuyết “Nơi trái tim ở lại” viết về một người vượt qua bao thăng trầm, bất hạnh của cuộc sống để làm chủ cuộc đời mình, nuôi những đứa trẻ mồ côi, những thân phận khổ đau giữa cuộc đời này. Tiểu thuyết này do Hội Nhà văn xuất bản, in lần đầu năm 2006 và tái bản năm 2011. Tiểu thuyết Tuổi thơ dũng sĩ - NXB Trẻ 2011 anh viết về anh hùng Hồ Văn Mên của Bình Dương. Đây cũng là cuốn sách được đánh giá khá cao. Ghi nhận về tiểu thuyết Tuổi thơ dũng sĩ là tính hấp dẫn. Truyện viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên mà người lớn đọc cũng thấy thích thú, lôi cuốn.
Một trong những điều mà tôi muốn nói về nhà văn Phan Đức Nam đó là anh viết nhiều nhất trong số những hội viên Phân hội Văn học. Viết nhiều và sống bằng nghề viết được có thể kể đến đầu tiên là anh. Chúng tôi hầu hết là những người “làm văn nghệ tay trái” tức là những giáo viên, nhà báo thỉnh thoảng mới viết được một truyện ngắn. Thế nhưng Phan Đức Nam cứ túc tắc đi tìm tư liệu từ cuộc sống. Anh đến từng vùng đất của Bình Dương, lặn lội tìm những nhân vật điển hình giữa cuộc đời này để rồi thai nghén, viết về họ trong từng truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết của anh. Lối dựng truyện và nối truyện của Phan Đức Nam bình dị mà có duyên, thể hiện được khả năng tái tạo và làm chủ nguồn tư liệu. Tác giả có lợi thế là từng sống ở vùng đất mình viết nên đưa được bản sắc địa phương vào truyện, anh lại biết chọn những sự kiện chính, những chi tiết đắt khiến trang văn thêm sống động, hấp dẫn người đọc.
Năm 2017 này, anh Phan Đức Nam vui mừng khi được ghi dấu ấn cho hành trình sáng tác của mình với giải B (vòng chung khảo) cho tập truyện ký “Xong việc mình về” viết về hoạt động của các biệt động thành Sài Gòn. Giải thưởng này của NXB Công An trao cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc. Với Cuộc thi sáng tác Văn học “Đất và Người Bình Dương” lần thứ I, năm 2017, anh Phan Đức Nam lại được nhận giải nhất với tác phẩm “Có người như thế”. Tất cả những điều này là nguồn động viên, khích lệ cho anh trên con đường sáng tác văn chương mà anh đã chọn. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Phan Đức Nam còn nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Kim Đồng, giải dành cho truyện ngắn hay của các báo: Tuổi trẻ (truyện Xóm đêm - 1999); Văn nghệ (truyện Đất lành - 2001); giải thưởng về bút ký của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2002 và 2004). Anh cũng là hội viên “được mùa” với giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ các lần 3, 4, 5 của tỉnh Bình Dương tổ chức.
Chúc cho nhà văn Phan Đức Nam vẫn giữ nguyên niềm đam mê văn chương để viết tiếp quyển sách thứ… 21! Bởi, như anh từng tâm đắc qua mấy câu thơ: “Còn viết được là may/ Cũng chẳng mong em đọc/ Mùa xưa dẫu khép rồi/ Mở ra vàng ký ức/ Thoảng bóng ngày vụt qua…”.
QUỲNH NHƯ