Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, người con tài hoa của đất Bình Dương

Thứ hai, ngày 31/03/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Với tài năng và trái tim nhiệt huyết, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã để lại nhiều dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm của ông đã vang lên như những bản anh hùng ca của đất và người Nam bộ. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng đồng nghiệp và giới mộ điệu.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chụp ảnh lưu niệm với các nhạc sĩ nhân Ngày âm nhạc Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương năm 2023

Người tài của âm nhạc phương Nam

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tên thật là Lê Văn Gắt, sinh năm 1936, tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông là một trong những nghệ sĩ cách mạng với nhiều sáng tác nổi bật trong thời kỳ kháng chiến như: “Sáng ra công trường”, “Gửi bạn Algérie”, “Chiếc khăn rằn”... Những tác phẩm này đã đi vào lòng người và là động lực tinh thần của phong trào cách mạng.

Sau này, sáng tác của ông mang đậm âm hưởng dân ca và chất liệu Nam bộ. Các ca khúc như “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Khúc hát người đi khai hoang”, “Hãy yên lòng mẹ ơi” và đặc biệt là “Bài ca Đất phương Nam” (ra đời năm 1997, là nhạc trong bộ phim “Đất phương Nam”) được nhiều người yêu thích bởi khả năng khơi gợi bằng giai điệu, tiết tấu, âm hưởng về một thời lưu dân mở đất, mang những tầng ý nghĩa văn hóa vùng miền và cốt cách, bản sắc của người Nam bộ.

Sau khi nghỉ hưu, Lư Nhất Vũ và vợ ông, nhà thơ Lê Giang đã cùng nhau trong một hành trình vô cùng ý nghĩa là đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm, sưu tầm dân ca và làm nên những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ, Biên niên sử âm nhạc... Những tác phẩm, những công trình của họ còn được ví như những viên ngọc quý trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từ trần lúc 9 giờ 30 phút ngày 29-3-2025, hưởng thọ 90 tuổi. Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ nhập quan vào lúc 7 giờ ngày 30-3, lễ viếng lúc 8 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 31-3-2025, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Hay tin nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua đời, nhiều văn nghệ sĩ Bình Dương đã chia sẻ cảm xúc thương tiếc về sự mất mát này. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Toàn xúc động: “Tiếc thương người con của đất Việt/ Cả một đời cống hiến cho ngày sau/ Nốt nhạc đời nốt nhạc của yêu thương/ Xin tiễn biệt người đi về đất mẹ…”. Với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Toàn, Lư Nhất Vũ là nhạc sĩ của những làn điệu phương Nam đi sâu vào lòng người và những tác phẩm ấy sẽ mãi mãi vang vọng trong tim người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Lê Đức Dũng chia sẻ: “Một người tài hoa, một tượng đài âm nhạc của đất phương Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc thương trong lòng người yêu nhạc. Đối với tôi, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không chỉ là một người thầy, một bậc đàn anh đáng kính, mà còn là một kho tàng âm nhạc quý giá để tôi có thể khai thác mà không bao giờ vơi. Những giai điệu, ca từ mà ông đã để lại luôn là nguồn cảm hứng bất tận, chắp cánh cho những sáng tạo âm nhạc của biết bao thế hệ”.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ thảo luận về sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi và phổ nhạc cho thơ trong chương trình họp mặt chào mừng kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ XI - năm 2020

Tiếp nối dòng chảy văn hóa

“Âm nhạc của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không chỉ là những giai điệu đẹp, mà còn là hơi thở của quê hương, của con người Nam bộ hiền hòa, nghĩa tình. Ông đã dành trọn cuộc đời mình để sáng tác, để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Dẫu hôm nay ông đã rời xa cõi tạm, nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn mãi, như một ngọn lửa âm nhạc không bao giờ tắt”, nhạc sĩ Lê Đức Dũng chia sẻ thêm.

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tâm sự ông rất may mắn có nhiều kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong những chuyến đi sưu tầm dân ca Sông Bé và những lớp tập huấn khai thác dân ca trong sáng tác ca khúc cho nhạc sĩ Bình Dương. Tuy ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong nhạc sĩ vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, rất tình cảm, nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm cũng như hướng dẫn các nhạc sĩ đàn em thực hành. Nhờ đó, chất lượng sáng tác của các hội viên câu lạc bộ sáng tác ca khúc Bình Dương cũng ngày càng nâng cao, đi sâu vào lòng người, phục vụ nhiều sự kiện chính trị của địa phương.

Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, trong hầu hết các tác phẩm của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đều chuyên chở chất liệu dân ca từ vùng cao tới đồng bằng, từ miền núi tới miền quê sông nước. “Có thể thấy chất liệu dân ca cũng đã góp phần tạo nên phong cách riêng cho âm nhạc của anh. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhạc phương Tây, nhạc Hàn, rapper, hip hop… đang ngày càng lấn át âm nhạc dân tộc, liệu có mấy người còn tâm huyết để níu kéo, giữ gìn bản sắc âm nhạc dân tộc như anh?”.

“Tôi còn nhớ mãi có một lần ngồi nói chuyện với anh về trào lưu nhạc trẻ và âm nhạc dân tộc hiện nay, anh buồn buồn nhìn về phía xa xăm và nhắc lại với tôi một câu ngạn ngữ của dân tộc Khmer: “Đừng thấy trời nổi cơn giông mà đổ nước trong chum đi!”. Chum nước ấy, rồi anh sẽ giao lại cho ai?!”, nhạc sĩ Võ Đông Điền nói.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tên thật là Lê Văn Gắt, sinh năm 1936 tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông là một trong những nghệ sĩ cách mạng với nhiều sáng tác nổi bật trong thời kỳ kháng chiến như: “Sáng ra công trường”, “Gửi bạn Algérie”, “Chiếc khăn rằn”... Những tác phẩm này đã đi vào lòng người và là động lực tinh thần của phong trào cách mạng.

Một số tác phẩm của Lư Nhất Vũ và Lê Giang viết về Bình Dương như: “Về với Bình Dương”, “Nghe tiếng đàn thương”, “Mẹ cho tôi câu hát quê nhà”, “Hát với con sông quê”, “Em là con gái Bình Dương”, “Đất Thủ quê tôi”, “Bình Dương nơi mẹ sinh ta”, “Bàu Bàng khúc hát gọi mời”...

THỤC VĂN