Chúng ta đã biết môi trường thiên nhiên đang bảo bọc sự sống của nhân loại và muôn loài trên trái đất, vậy mà nhiều người đã và đang không ngừng ra tay tàn phá môi trường sống quý báu đó, điều này dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, khiến phát sinh thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần làm cho nhân loại phải lâm cảnh khốn cùng điêu đứng. Xưa kia, khi nhận thức của con người còn giới hạn về khoa học môi trường thì trước những thảm họa thiên tai, người ta cho rằng, đó là sự trừng phạt của thần thánh, trong khi đó Đức Phật (lúc còn tại thế) đã sớm nhận ra những thảm họa kia đều do chính con người gây ra, chứ không phải do ai khác.
Thượng tọa Thích Huệ Thông, trụ trì chùa Hội Khánh tổ chức trồng cây cùng gia đình nghệ sĩ Bảo Quốc. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Khi bàn về những ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống của nhân loại từ giáo pháp của Đức Phật, chúng tôi nhận thấy, yếu tố cần thiết phải xét đến là cách giải quyết đời sống kinh tế của loài người mà Đức Phật quan tâm đến. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự tàn phá môi trường. Về điều này, Đức Phật đã dạy đệ tử cần phải thực hiện “chánh mạng”, nghĩa là phải kiếm sống một cách lương thiện, đúng đắn, không làm tổn hại cho mình, cho người và muôn loài. Cách ứng xử về kinh tế như vậy, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, thì chúng ta sẽ thực hiện việc bảo vệ môi trường sống một cách hoàn hảo. Chúng ta sẽ không tàn phá rừng và săn giết muôn thú vô tội vạ (nếu như nó không thực sự tối cần thiết cho cuộc sinh tồn). Cùng với thực hành “chánh mạng”, trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật dạy bảo hàng tứ chúng Phật tử phải giữ giới “không được sát sanh”, thường xuyên “phóng sanh” và khuyên dạy đệ tử tùy theo khả năng hoàn cảnh của mỗi người mà nên thực hành việc “ăn chay” để tăng trưởng lòng từ bi bác ái. Có thể nói, đây là những việc làm thiết thực, âm thầm và lâu dài trong việc bảo vệ môi trường sống của con người. Nếu xét trên lăng kính của thời đại thì nó có tác dụng góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tích cực và hiệu quả.“Bảo vệ môi trường” không chỉ hiểu một cách hạn hẹp rằng đó chỉ là chống ô nhiễm không khí, đất đai, sông suối hoặc bảo vệ những loài động vật hoang dã, mà nội dung của thuật ngữ môi trường trên mặt xã hội, được hiểu là hoàn cảnh của con người, gia đình và tập thể. Về mặt không gian, môi trường là địa bàn, là khu vực sống của con người dù cho rộng hẹp như thế nào chăng nữa, đó là những công trình xây dựng, làng xã, huyện tỉnh, quốc gia và sinh quyển. Về mặt sinh vật và sinh thái, môi trường bao gồm cả giới vô sinh (đất, nước, không khí) và hữu sinh (con người, giới động và thực vật). Bởi vậy “bảo vệ môi trường” trên khía cạnh sinh thái, không chỉ giới hạn trong mục tiêu bảo vệ thiên nhiên và quy hoạch cảnh quan. Nó còn bao gồm mục tiêu làm thanh lịch quê hương, đất nước, các khu vui chơi giải trí, du lịch và mạng lưới cây xanh trong thành phố. Về mặt vệ sinh và công nghiệp, mục đích của “bảo vệ môi trường” bao gồm sự giữ sạch môi trường không khí, nước và đất đai, cũng như xử lý chất thải, rác và những chất độc hóa học, làm giảm sự gay gắt của thời tiết và ngăn ngừa các tia độc hại.
Một khi nói đến sự ảnh hưởng tích cực của đạo Phật đối với môi trường, thiết nghĩ không gì cụ thể hơn là 4 đức hạnh từ - bi -hỷ - xả cùng với tinh thần “bất sát”, “vô hại” và nếp “sống thân thiện” với thế giới muôn loài của đạo Phật. Đồng thời, từ những lời dạy ý nghĩa trong Kinh Từ Bi và trên tinh thần “chúng sanh vô biên thề nguyện độ”, chúng ta có thể bắt tay vào việc bảo vệ môi trường.
Cuộc sống giản dị giúp chúng ta tránh được những đòi hỏi không cần thiết. Bởi thói quen tiêu dùng xa hoa phung phí cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các nguồn tài nguyên bị khai thác bừa bãi và bị lạm dụng quá độ; chúng ta nên cố gắng thực hành tiết kiệm năng lượng; chúng ta nên kiến tạo cảnh quan. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, chúng ta nên trồng thêm một số cây rừng hợp với thổ nhưỡng bản địa, khuyến khích và vận động quần chúng “trồng cây phước đức”, “trồng cây trí tuệ” thay cho tục “hái lộc”, “bẻ lộc” vốn đã lạc hậu trong những dịp lễ, tết...
THÍCH HUỆ THÔNG