“Đền tưởng niệm các vua Hùng” là công trình chính yếu của Khu tưởng niệm các vua Hùng nằm trong quần thể Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc rộng 395 ha, trong đó 368 ha thuộc phường Long Bình, quận 9 TP.HCM và 27 ha thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, được khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2009 và đã làm lễ an vị linh vị (đất, nước, lửa) và bài vị vua Hùng vào 25-3-2009 sau khi rước các linh vị và bài vị vua Hùng từ đền chính (Phú Thọ) về. “Đền tưởng niệm các vua Hùng” là nơi để những người con phương Nam, vì một lý do khách quan nào đó, không thể về tận Phú Thọ trong ngày giỗ Quốc Tổ, bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân các vua Hùng - Những Người đã có công dựng nước, để vọng bái, để hướng về cội nguồn dân tộc...
Bàn thờ Quốc Tổ
Đền tưởng niệm các vua Hùng ở đây được chia làm 3 sân: Sân lễ, Sân hội và Sân vọng. Ngay giữa Sân lễ là nơi thờ bài vị các vua Hùng, bên trên một bên thờ Tổ mẫu Âu Cơ, một bên thờ Tổ phụ Lạc Long Quân, dọc hai bên là các Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân... vây quanh... với bầu không khí trang nghiêm nhưng cũng thật gần gũi... Nếu đi theo đoàn, khách sẽ được một người trong Ban quản lý làm chủ lễ với áo dài khăn đóng đọc bài văn tế cùng danh tính, đơn vị của khách đến dâng hương, hoa rất trịnh trọng trước bàn thờ Quốc Tổ. Sau khi chủ lễ làm lễ xong và đốt bài văn tế dâng lên vong linh các vua Hùng, từng người trong đoàn sẽ lần lượt tiến về bàn thờ để dâng hương, khấn nguyện... trong từng tiếng chuông ngân nga... Sau đó, khách sẽ được mời lên Sân vọng - nơi có đặt chiếc đại lư đồng hướng ra phương Bắc - nơi có đền thờ chính của Quốc Tổ - để vọng bái về Người... Tại Sân vọng này còn được xây 54 trụ đá - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng sống chung dưới ngôi nhà Việt Nam - theo hình hai bàn tay chụm lại, ý nghĩa gắn bó keo sơn, đoàn kết một lòng dựng xây Tổ quốc.Ông Bùi Văn Bông, 60 tuổi, người chăm lo hương án gian thờ cho biết, từ 7 giờ sáng cho đến 17 giờ mỗi ngày, khách muốn dâng hương lên Tổ lúc nào cũng được, sẽ có người phục vụ nhang đèn, gõ chuông; còn nếu đi theo đoàn thì nên đăng ký trước để có thêm phần đọc văn tế. Trong gian thờ còn có một chiêng, một trống và đặc biệt chỉ khi nào có những vị nguyên thủ quốc gia đến viếng thì mới được gióng lên một hồi chiêng, một hồi trống để đón tiếp; riêng ngày giỗ Quốc Tổ thì đánh 3 hồi khi vào lễ chính.
Theo ông Kha Chánh - Phó Giám đốc Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc thì từ lúc khánh thành Đền tưởng niệm các vua Hùng (ngày 4-4-2009 nhằm mùng 10-3 Kỷ Sửu) đến nay mới một năm nhưng đã có hàng vạn lượt người đến thăm viếng, dâng hương lên Quốc Tổ. Ngoài ra còn có nhiều cơ quan, đoàn thể, các trường đại học... tổ chức đến tham quan, cắm trại, sinh hoạt văn hóa... Và chương trình giỗ Quốc Tổ năm nay sẽ được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu từ 22 (nhằm ngày mùng 9) đến hết ngày 24-4 với những lễ hội truyền thống đậm đầy bản sắc dân tộc. Đây là lần thứ 2 “Đền tưởng niệm các vua Hùng” tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ và dự kiến sẽ được đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách về tham dự. Ngoài những ngày giỗ Quốc Tổ hàng năm, những ngày lễ, tết... của dân tộc cũng được “Đền tưởng niệm các vua Hùng” tổ chức lễ hội để nhân dân đến chiêm bái, vui chơi thưởng ngoạn...
DẠ TRẦM