Nhân rộng “Làng thông minh”, thúc đẩy nông thôn phát triển

Cập nhật: 24-02-2023 | 08:17:25

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bình Dương diễn ra mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, góp phần đưa phong trào xây dựng NTM trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Nhân rộng mô hình thông minh

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn trước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, qua 2 năm của giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu 2021-2025, Bình Dương có 29/41 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, duy trì tốt và nâng dần mức độ hoàn thiện các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; chăm lo tốt công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội.

Mô hình trồng bưởi đường lá cam theo quy trình thực hành tốt VietGAP ở Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Đằng

Vào năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng NTM. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM và trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2021-2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh” theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Làng thông minh” theo mô hình được xây dựng tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục… Đáng chú ý, những ứng dụng trong công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng quá trình quản lý sản xuất, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Dự kiến đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh.

Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở TX.Tân Uyên, hiện nay huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án “Làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất, kinh doanh thông minh. Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua huyện Phú Giáo thực hiện khá tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Phú Giáo được nâng lên... Những thành tựu trên đây đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình “Làng thông minh”; trong đó, nền tảng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã NTM thông minh.

Tập trung thực hiện

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, tỉnh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm...

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả mô hình “Làng thông minh” ở xã Bạch Đằng làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững được đồng bộ, toàn diện thông qua bản đồ số và cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên kết quả tới cấp cơ sở, công trình hạ tầng, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò tự quản, giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM…

Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng NTM thông minh trong tương lai của tỉnh, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng thành quả xây dựng NTM thời gian qua giúp Bình Dương tự tin hướng đến mục tiêu mở rộng mô hình “Làng thông minh” trên toàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=347
Quay lên trên