Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Cập nhật: 08-12-2021 | 07:44:56

Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình NNHC đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

 Mô hình “nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học” của hộ anh Lê Quang Vinh, xã Lạc An cho sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế cao

Chú trọng sản phẩm thế mạnh

Hợp tác xã ( HTX) Năm Hạng, ấp 4 xã Lạc An, chuyên sản xuất cây ăn trái có múi hữu cơ (cam sành là chủ lực) với tổng diện tích 15 ha. Sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn của Mỹ, giá cả ổn định và cho thu hoạch trung bình 1,5 tấn/ngày, tối đa 3 - 4 tấn/ngày.

Đặc thù của HTX Năm Hạng là chuyên xuất 2 loại sản phẩm, hữu cơ và tiệm cận hữu cơ. Do số lượng sản phẩm hữu cơ xuất đi có giới hạn, khi hết hàng hữu cơ, HTX sẽ chọn lọc thu mua sản phẩm sạch và gắn nhãn hàng hướng hữu cơ. “Sản xuất NNHC khó hơn nhiều so với các mô hình khác, năng suất thấp hơn từ 30 - 50%, mẫu mã sản phẩm hữu cơ cũng không đẹp. Tuy nhiên, chất lượng vượt trội, an toàn cho sức khỏe con người, giá thành cao hơn. Hiện nay, người tiêu dùng kỹ lưỡng trong vấn đề an toàn thực phẩm nên họ hiểu được điều đó và chấp nhận”, ông Nguyễn Hữu Hạng, Giám đốc HTX Năm Hạng, cho biết.

Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng triển khai, nhân rộng hiệu quả mô hình NNHC. Điều này đã góp phần đưa nhãn hiệu tập thể “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” vươn xa ra thị trường bằng chất lượng và uy tín. Đến nay, toàn huyện có trên 2.400 ha cây có múi, trong đó hơn 100 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và đã có hơn 61 ha được giấy chứng nhận; tập trung ở các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ. Riêng HTX Năm Hạng (xã Lạc An), HTX Nhân Đức (xã Hiếu Liêm) được cấp chứng nhận và bán sản phẩm là NNHC.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết để sản xuất NNHC phát triển ổn định, bền vững cần dựa trên bộ quy chuẩn và có một cơ quan chứng nhận sản phẩm NNHC, các địa phương có căn cứ thực hiện. Tại Bắc Tân Uyên, hàng năm, Hội Nông dân các cấp luôn phối hợp các ngành liên quan tổ chức dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, vận động nông dân cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Nhân rộng mô hình

Bên cạnh tập trung phát triển NNHC cây ăn trái có múi, thời gian qua huyện cũng đã thành công trong việc khuyến khích nhân rộng sản phẩm NNHC khác, cho hiệu quả kinh tế khá cao như nấm bào ngư xám (thị trấn Tân Bình, xã Bình Mỹ), chuối sứ cấy mô (xã Thường Tân, Đất Cuốc). Đặc biệt mô hình nấm bào ngư hữu cơ rất phù hợp với nông nghiệp đô thị, chuối sứ cấy mô có thể trồng xen canh với cây ăn trái để cải tạo đất, diệt cỏ...

Thực tế chứng minh mô hình này cho năng suất cao, nhanh thu hoạch và đang dần được nhân lên tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điển hình như HTX Mười Thúy chuyên sản xuất nấm hữu cơ (thị trấn Tân Bình) hàng năm cho lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng. HTX Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân) sản xuất cây ăn trái có múi và chuối sứ hướng hữu cơ cho doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng/xã viên.

Ngoài đầu tư thực hiện trồng trọt hữu cơ, huyện cũng triển khai nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như nuôi thỏ, nuôi gà chuẩn VietGAP, nuôi vịt trên cạn... Huyện luôn khuyến cáo người dân nhận thức, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết các hộ chăn nuôi theo hướng tạo sản phẩm sạch, xử lý nguồn chất thải an toàn bằng men sinh học.

Năm 2021, mô hình “nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học” thực hiện trên địa bàn xã Lạc An và Đất Cuốc đã mang lại hiệu quả cao. Nguồn thức ăn rau cỏ không phụ thuộc thị trường và hiện các hộ đã tự tuyển chọn lại số heo giống để nhân rộng, tăng đàn. Ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc An, cho biết toàn xã có trên 15 hộ nuôi heo rừng với khoảng 420 con. Trong đó có 3 hộ tham gia mô hình “nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học”. Theo ông Nhàn, ưu điểm của mô hình là tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, không có dư lượng thức ăn công nghiệp, chất lượng thịt thơm ngon hơn, ít mỡ hơn các loại heo rừng cho ăn cám công nghiệp.

Anh Lê Quang Vinh, tổ 19, ấp 4 xã Lạc An bắt đầu mô hình nuôi heo rừng lai khoảng 3 năm nay. Anh nuôi theo hình thức bán chăn thả với diện tích chuồng khoảng 60m2, diện tích đất chăn thả 800m2. Năm 2021 gia đình anh tham gia dự án “nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học”, đến nay lứa đầu đã xuất bán, giá bán thịt 120.000 - 130.000 đồng/kg, heo con khoảng 1,2 triệu đồng/ con từ 5 - 6kg. Anh Vinh tâm sự: “Với hiệu quả mô hình mang lại, gia đình ước tính hàng năm cho thu nhập khoảng trên 250 triệu đồng”.

Ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên: Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành thế mạnh, vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà địa phương hướng tới. Để khuyến khích phát triển, huyện phối hợp triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất khi chuyển xu hướng sang sản xuất NNHC. Bên cạnh đó, nỗ lực xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=971
Quay lên trên