Với cặp mắt mù lòa, thế giới đối với họ là một chuỗi ngày tối tăm, thế nhưng bằng bàn tay và khối óc của mình, nhiều người khiếm thị (KT) tại Bình Dương đã vượt lên số phận để tìm cho mình những công việc phù hợp với khả năng lao động. Tuy nhiên, trong sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn còn đọng lại những ngày tháng đau buồn, gian nan, lận đận tìm kế mưu sinh. Và, trên bước đường mưu sinh ấy, có bao câu chuyện thầm lặng chưa bao giờ kể... Cùng nhau quây quần chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống
Vượt lên số phận để tìm kế mưu sinh
Một lần đến thăm và trò chuyện với nhân viên massage KT tại các cơ sở Hội Người mù (NM), tôi mới cảm nhận được rằng trong sâu thẳm ánh mắt ấy là bao điều thầm kín, bao gian truân để đến được với nghề. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nghiệt ngã, nhưng đều tự khẳng định nghị lực sống bằng quyết tâm không là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Với gương mặt hiền lành, anh Nguyễn Hữu Hoàng (29 tuổi), nhân viên massage Hội NM tỉnh trầm ngâm kể, anh bị mù từ lúc 3 tháng tuổi. Sau bao năm ròng chạy chữa, nhưng điều mà ba mẹ anh đón nhận lại chỉ là những lời an ủi của bác sĩ. Quá tuyệt vọng, họ đã để cho số phận định đoạt cuộc sống của con trai mình. Trong lúc bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, hàng ngày Hoàng phải đối diện với bóng tối bao trùm và niềm tủi phận. Hoàng cho biết: “Muốn đi đâu cũng không được, làm gì cũng phải nhờ cậy vào người khác, nhiều lúc chán nản...”. Sau đó, được sự hỗ trợ của Hội NM tỉnh, Hoàng đi học massage và cố gắng làm thật nhiều để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình.
Đến với Đỗ Hòa Nhã (cư ngụ tại phường Hiệp An, 31 tuổi), nhân viên massage Hội NM TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi mới hiểu được cuộc sống bươn chải mưu sinh của NM khó khăn đến mức nào. Lúc Nhã chào đời, cha mẹ anh vui không tả xiết vì gia đình có thêm thành viên mới. Thế nhưng, niềm vui của gia đình chưa được bao lâu thì phải hứng chịu nỗi đau mất mát. Năm 3 tuổi, sau một lần bệnh nặng cậu bé Nhã ngoan ngoãn, hiền lành đã mất đi “cửa sổ tâm hồn”. Không chịu được nỗi đau, ba Nhã ra đi để lại người mẹ hiền với đứa con mù lòa. Với Nhã, không gì đau đớn hơn khi những người bạn đồng trang lứa vui đùa, chạy nhảy, hát hò, học tập còn mình lại thui thủi bên bốn bức tường tối mịt. Để tự vực dậy ý thức sống, bản năng sinh tồn trước nghịch cảnh, Nhã đã tham gia vào Hội NM TP.Thủ Dầu Một. Tại đây, anh được học đàn, với thính âm tốt Nhã trở thành tay đàn giỏi, hát hay và thường xuyên phục vụ tại các tụ điểm đám cưới. Thấy được khả năng của Nhã, nhiều ban nhạc đã nhận anh vào đoàn. Theo đoàn nhạc đi khắp các tỉnh miền Tây nhưng với Nhã: “Đôi mắt lạnh, trái tim nóng sẽ làm nên tất cả”. Một thời gian sau, Nhã trở về với Hội NM TP, lúc này anh chuyển sang bán vé số, bán chổi. Có thể nói, những con đường chính trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã từng có dấu chân Nhã đi qua. Sau khi cơ sở massage Hội NM TP được thành lập, Nhã bắt đầu theo học và hiện nay là nhân viên giỏi của cơ sở Hội NM TP.
Có lẽ may mắn hơn Hữu Hoàng và Đỗ Hòa Nhã, Nguyễn Thị Thanh Thảo (quê Quảng Trị) đã biết được cuộc sống bên ngoài với bao điều thú vị. Hạnh phúc vụt tắt vào năm 17 tuổi khi một trận sốt ban đỏ định mệnh đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt khiến mọi thứ quanh em đều tối tăm. Cuộc đời em phải lật sang một trang mới với đầy nước mắt và buồn tủi. Mù lòa không là cái tội nhưng nó đã tác động không ít đến những ước mơ cháy bỏng ấp ủ trong tâm hồn của cô bé tuổi mới lớn như Thảo.
Không thể mãi là gánh nặng cho cha mẹ, Thảo đã cố gắng thoát khỏi cái vỏ ốc khép kín của mình. Năm 19 tuổi Thảo đi học massage và làm tại Quảng Trị, sau đó xuống Đồng Nai, TP.HCM... và hiện là nhân viên massage Hội NM TP.Thủ Dầu Một.
Kể chuyện nghề những người có “mắt” trên đôi tay
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở massage Hội NM: Tỉnh hội NM, Hội NM TP.Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dầu Tiếng, với gần 70 nhân viên. Đối với những nhân viên đặc biệt này, được sống và làm việc, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình là niềm hạnh phúc bất tận. Tuy nhiên, bên trong niềm vui đó vẫn còn những chuyện buồn, những nỗi niềm tâm sự chưa kể.
Tại cơ sở massage Hội NM TP.Thủ Dầu Một, tất cả đều tự nghiệm phải “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, do đó làm khách cảm thấy vui vẻ, vơi bớt mệt mỏi sau một giờ làm việc là mục đích chung. Tuy nhiên, với khách quen thì không sao, đôi lần gặp những khách mới họ không tránh khỏi những tình huống éo le, đặc biệt gặp những người khách say xỉn.
Còn Nguyễn Thị Thảo thì chia sẻ, qua nhiều năm bươn chải khắp nơi, Thảo thấy rằng nhiều người khách dù biết mình vào cơ sở massage của Hội NM nhưng vẫn yêu cầu làm “tùm lum”, nhiều khách say xỉn còn đòi massage “gần”. Khi nhân viên massage không đáp ứng yêu cầu thì họ lớn tiếng quát mắng. Không chỉ vậy, trong lời nói của họ còn chứa đọng những câu từ chạm đến nỗi đau của những người KT, khiến không ít người nản chí bỏ việc giữa chừng vì sốc. “Tụi em ai mù nên làm gì cũng chậm hơn so với người lành lặn. Những khách biết điều họ động viên và chịu khó chờ đợi, nhưng khách khó tính, nóng nảy thì họ quát mắng. Chưa kể, nhiều khách thấy em là nữ nên đôi khi giả vờ đụng chạm rồi bảo là vô tình...” Thảo nói. Tuy nhiên, đó chỉ là tình trạng ở những cơ sở massage ở những tỉnh khác, đối với Bình Dương một quy định chung nam massage cho nam, nữ làm cho nữ nên những chuyện đề nghị “làm quá” không xảy ra. Qua đó, giúp NM yên tâm hơn trong khi hành nghề.
Đối với nhân viên massage KT, mỗi ngày làm việc miệt mài từ 8 giờ sáng đến 21 giờ. Quỹ thời gian ít ỏi còn lại, họ dành cho gia đình, hay cùng quây quần bên nhau để trò chuyện, chia sẻ những khó khăn, vấp váp trong cuộc sống. Làm việc cật lực nhưng thu nhập kiếm được của họ chẳng đáng là bao, bởi ăn theo sản phẩm (có nhiều người đến massage thì có nhiều tiền, ngược lại). Nhiều nhất đối với họ cũng chỉ ở mức 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Có thể thấy, với những nơi massage khác thì tiền “boa” cho nhân viên còn cao gấp nhiều lần so với tiền trả cho mỗi suất thư giãn. Còn tại những cơ sở massage của người KT, phần lớn khách hàng là giới bình dân nên việc “boa” thêm rất hiếm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những nhân viên như anh Hoàng, anh Nhã, chị Thảo... lại không làm tròn nhiệm vụ. Bởi họ đến với công việc này không chỉ vì mục đích mưu sinh, mà ẩn sâu trong đó là sự cố gắng nỗ lực khẳng định giá trị của chính mình. Theo như lời anh Nhã: “Cuộc đời không có điểm cụt, quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết tự vươn lên để cứu lấy chính mình”.
THIÊN LÝ