Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã lưu hành 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron trong cộng đồng. Với đặc tính của 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 là lây lan nhanh và có khả năng lẩn tránh miễn dịch, kháng vắc xin, Bình Dương chủ động đẩy mạnh tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh và tích cực tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Tiêm vắc xin Covid-19 bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc Covid-19 chuyển nặng, nhập viện và tử vong. Trong ảnh: Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi tại TP.Thủ Dầu Một
Cùng lúc lưu hành 2 biến thể phụ
Tính đến thời điểm hiện nay, Bình Dương đã ghi nhận 4 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron trong cộng đồng. Trong 4 ca nhiễm Omicron này có 3 ca nhiễm biến thể BA.5 và 1 ca nhiễm biến thể BA.4. Các ca nhiễm này ở TX.Bến Cát (2 ca), huyện Bàu Bàng (1 ca) và TP.Dĩ An (1 ca). Hiện sức khỏe các bệnh nhân bình thường. Qua điều tra dịch tễ, trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 được xác định ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, sinh năm 1978. Bệnh nhân này đã tiêm đủ các liều vắc xin ngừa Covid-19 và đã từng nhiễm Covid-19. Đáng chú ý là trường hợp bé gái, sinh năm 2013 ở phường Bình An, TP.Dĩ An nhiễm biến phụ BA.4. Hiện ngành y tế đang tiếp tục điều tra dịch tễ, thực hiện truy vết nhanh, cách ly y tế kịp thời các trường hợp có tiếp xúc gần.
“Biến thể phụ BA.4, BA.5 thuộc biến thể Omicron, do đó chúng có một số đặc điểm tương tự các biến thể phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Biến thể phụ BA.5 có thể gây bệnh ở người từng nhiễm các biến thể Omicron trước đó. Sự xuất hiện của 2 biến thể này ở Bình Dương sẽ làm tăng số ca mắc Covid-19 và tạo ra một làn sóng dịch với các ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 chiếm ưu thế. Sự gia tăng các trường hợp mắc cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nhập viện và cần chăm sóc tích cực. Covid-19 không phải là một bệnh nhẹ, ngay cả khi khỏe mạnh thì không có gì bảo đảm rằng khi mắc bệnh sẽ bị nhẹ. Tiêm vắc xin Covid-19 bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc Covid-19 chuyển nặng, nhập viện và tử vong”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Các triệu chứng chính của BA.5 gồm sốt hoặc ớn lạnh, khó chịu, mất khứu giác, ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể khó thở, thở gấp, đau cơ bắp, đau đầu, đau họng, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, nồng độ vi rút khu trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng và khí quản) cao, do đó tốc độ lây lan chủng BA.4, BA.5 nhanh hơn. Vì vậy, người dân không được chủ quan, ngành y tế cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, giường bệnh, oxy, thuốc kháng vi rút để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân trở nặng.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy cho rằng gần đây tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của Omicron BA.4, BA.5. Cùng với dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp. Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân dân, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, cơ quan tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy tháng 8-2022 làm tháng cao điểm tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và phòng, chống các loại dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Hiện nay, tại các địa phương, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị đồng loạt tổ chức Tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và một số dịch bệnh khác đạt mục tiêu đã đề ra. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lễ ra quân tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh SXH; tuyên truyền, vận động mỗi người dân, gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH như: Dọn dẹp vệ sinh nhà, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát để muỗi không có nơi trú ẩn; đậy kín các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng; xử lý các vật dụng xung quanh nhà để lăng quăng không có môi trường phát triển.
Hiện nay, kháng thể bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian, một số trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc xin làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Do vậy, các ngành, các cấp từ tỉnh đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tiêm vắc xin nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch bệnh”. (Ông Nguyễn Lộc Hà, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Thuận An tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò và hiệu quả của việc tiêm vắc xin trong phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đến các điểm tiêm chủng. Cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân có thường trú, tạm trú tại các khu phố, ấp và vận động nhân dân thực hiện nghiêm chiến dịch phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng và một số dịch bệnh khác”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết hiện thị xã đã và đang tổ chức 4 hội nghị truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19, SXH, tay chân miệng và đậu mùa khỉ. Các hội nghị nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh và nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân của người dân cũng như năng lực chuyên môn của đội ngũ y tế trong phát hiện sớm, thu dung điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế bệnh chuyển nặng, tử vong. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người ở các xã, phường cũng đồng loạt tổ chức hội nghị theo địa bàn khu phố, hộ gia đình, khu nhà trọ; bảo đảm từ ngày 5 đến 20-8 phải đạt 100% khu phố, ấp tổ chức hoạt động truyền thông và đến ngày 30-8, 100% hộ gia đình tiếp cận thông tin dịch bệnh”.
HOÀNG LINH