Nhập siêu tăng cao

Cập nhật: 26-03-2010 | 00:00:00

Ước tính gần 3 tháng đầu năm 2010, cả nước đã nhập khẩu tới 17,525 tỷ USD hàng hóa, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Mối lo chênh lệch cán cân thương mại khiến Bộ Công Thương, vào ngày 25-3, phải triệu tập lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để bàn giải pháp hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Petrolimex mua sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để hạn chế nhập khẩu.

Hàng trong nước dồi dào, doanh nghiệp vẫn nhập ngoại

 

Gần hết quý I, tỷ lệ nhập siêu đã vào khoảng 3,51 tỷ USD, bằng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu trung bình được đặt ra cho năm nay 5%. Riêng tháng 1 và 2, kim ngạch nhập khẩu ở mức 11 tỷ USD, tăng tới 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên than phiền: Hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu đều tăng. Cả các nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu cũng tăng khoảng 60,2% và 33%, riêng phân bón giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Xuất khẩu dệt may đang phục hồi

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 3 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu dệt may có tín hiệu phục hồi về nhu cầu thị trường, tuy giá cả sản phẩm chỉ tăng nhẹ, 2-3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá bông nguyên liệu có xu hướng tăng, nên thời gian qua, ngành dệt may tập trung nhập khẩu mặt hàng này. Nhờ thế, sản lượng và giá trị bông nhập khẩu sẽ giảm trong các quý còn lại.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Tường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam băn khoăn: "Các doanh nghiệp (DN) hóa chất cũng đang đối mặt với khó khăn khi đầu ra bị thu hẹp vì hàng ngoại tràn vào. Nghịch lý là sản lượng NPK trong nước dư thừa nhưng các DN vẫn ùn ùn nhập về. Công suất cho phép của các nhà máy NPK Việt Nam đạt khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Các DN luôn hoạt động dưới "sức mình", chỉ cho ra lò 1,7 triệu tấn/năm".

 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên quan ngại: "Năm ngoái đang là thời điểm khủng hoảng sâu nhất nên nhu cầu và giá cả hàng hóa thấp hơn. Giờ đây, khủng hoảng đã qua, nhập siêu vẫn nhiều là tín hiệu đáng báo động".

 

Cần công cụ quản lý hữu hiệu

 

Bộ Công Thương cần nhanh chóng đưa ra biện pháp kiểm soát nhập khẩu phân bón là kiến nghị được Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất đưa ra. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam - ông Nguyễn Tiến Đức cũng đồng quan điểm: "60% nguyên liệu sản xuất giấy của các công ty trong nước là nhập khẩu. Trong đó, bột giấy nhập khoảng 100 triệu USD và giấy loại 200 triệu USD/năm. Bất cập là DN không thích thu mua giấy tái chế trong nước, người dân cũng chưa quen với thói quen tận dụng giấy thải để tái chế. Dù giá giấy thải trong nước không cao hơn giá nhập khẩu, nhưng phân loại kém và thủ tục thuế nhiêu khê, rườm rà nên DN ngại. Ngành giấy cũng mong muốn Bộ Công Thương xem xét lại những quy định để công đoạn thu gom giấy loại được thuận lợi, dễ dàng".

 

Nhằm hạn chế nhập khẩu, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) mua dài hạn sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dù vậy, trong giao dịch giữa 2 bên đang gặp một số vướng mắc cần giải quyết, ông Nguyễn Quang Kiên - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex bày tỏ.

 

Mục tiêu của năm 2010 là kiềm chế nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 12,2 tỷ USD. Đây là áp lực không dễ vượt qua trong 9 tháng còn lại, ông Nguyễn Thành Biên chia sẻ.

 

Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu đề xuất: "Kiềm chế nhập siêu không đơn thuần là xử lý các vấn đề thương mại, hạn chế nhập cái này, nới lỏng nhập cái kia mà nằm ở giải pháp công nghiệp căn cơ bền vững hơn: tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ".

 

Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cần được phê duyệt sớm, giúp DN chủ động trong mọi tình thế. Thế nhưng, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng lại trần tình: Đây là chiến lược lâu dài và vô cùng khó khăn, không thể ổn định trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy, dù Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế nhập khẩu như: thiết lập quy trình thông quan, đặt ra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa… nhưng đại diện nhiều DN vẫn sốt ruột: Các biện pháp này mới tác động đến bề mặt, chưa đủ mạnh và thiết thực để mang lại hiệu quả nhằm tích cực hạn chế nhập siêu.

 

(THEO CAND)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=435
Quay lên trên