Nhất thời nông nổi!

Cập nhật: 27-01-2010 | 00:00:00

1. Được các anh bảo vệ cho phép, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn ngủi trong giờ nghị án với L. Cảm giác sợ sệt, tội lỗi vẫn thường trực trên khuôn mặt của người thanh niên có vẻ chân chất. Suốt phiên xét xử bị cáo không một lời thanh minh cho hành vi gây án của mình mà chỉ lí nhí “dạ”!, “thưa”! mỗi khi HĐXX đặt câu hỏi chất vấn. L. và N. vốn là hai người bạn, học cùng trường ở cùng phòng, “biết nhau từ thuở còn chưa bận quần”. Thế nhưng tình bằng hữu mà họ đã kỳ công xây dựng hàng chục năm trời bỗng chốc bị xóa sạch chỉ bởi mâu thuẫn nhỏ nhặt đời thường. Phòng trọ số 5 ở cuối đường của khu phố Bình Hòa, TT. Lái Thiêu gồm có 5 thành viên. Chuyện cơm nước lau nhà vốn không phải là sở trường của cánh nam giới thế nên ai cũng né tránh. Một cuộc họp, họ thống nhất phân công mỗi người sẽ đảm nhiệm nấu cơm một ngày. Hôm đến lượt L. thực hiện nhiệm vụ của mình. 11 giờ 30 phút, N. đi học về vừa đói lại vừa mệt, nghĩ tới bữa cơm là bụng đói cồn cào. Bước vào phòng, thấy bếp nguội tanh, N. bực bội cằn nhằn bạn vì “ở nhà mà không nấu cơm”! L. thấy bạn về nên hối hả cắm nồi cơm điện, nhặt rau, N. vẫn lải nhải đi lại trong phòng ca cẩm “lúc nào cũng canh chua, đậu hũ, mấy chục ngàn mà mày chỉ mua có vậy sao”? Bực tức vì câu nói của bạn, L. cũng đôi co lời qua tiếng lại “mày giỏi thì đi chợ, muốn ăn ngon... về nhà. Mày đàn bà quá!”. Tiếng cãi vã râm ran, trong khi N. lại lẩm bẩm “dưa leo già xú, mua toàn thứ rẻ tiền”! Rồi quay sang xem đến nồi cơm “nấu cơm nhão nhẹt, mày vô dụng”! Không chịu được những lời chì chiết của bạn, L. buông câu chửi thề, cuộc khẩu chiến càng tăng thêm, L. quát “mày im miệng lại, tao đánh thì không có đường về”! N. nghiêng mặt thách thức “mày đánh đi, ông nội mày cũng không dám đụng vào tao”! Nghe thách thức, mặt L. bừng bừng, hai mắt trợn lên dữ tợn, sẵn dao nhọn đang cầm tay, L. xông tới đâm N. một nhát chí mạng. N. ngã gục xuống nền nhà, máu chảy xối xả rồi chết trên đường cấp cứu còn L. chạy đến công an xã trình báo. Thú nhận về hành vi gây án của mình, L. cắt nghĩa: “Em cũng không biết tại sao lúc ấy em có thể cầm dao đâm bạn của mình. Giá như lúc ấy em biết kiềm chế. Giá như em không bị kích động, không có lời thách thức của N. Giá như... giá như...”! Hàng loạt câu “giá như” được L. đặt ra tự chất vấn cho bản thân “em biết tội của mình không thể tha thứ, ba mẹ em đau khổ, gia đình bạn mất đi người thân. Em không muốn vậy nhưng đã chết người thì phải bị tội. Sau này được ra tù em sẽ tiếp tục theo đuổi ngành toán tin mà em yêu thích. 17 năm tù cũng gần một phần của đời người phải không chị”. Tôi khẽ gật đầu và nhìn theo chiếc xe chở phạm nhân dần khuất.

2. Lê Mười, quê Thanh Hóa vào Bình Dương sinh sống từ năm 2003. Theo một số hàng xóm cho biết “Mười là người tốt bụng, tính tình hiền lành bộc trực; chỉ vì một phút nông nổi đã khiến cho Mười trở thành kẻ phạm tội. Thương cho cô vợ vừa phải thay chồng nuôi dạy con thơ vừa phải gánh trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại. Nếu chú Mười không hành động mù quáng thì đâu có cảnh đau lòng”. Theo cáo trạng thì khoảng 21 giờ ngày 4-10-2008, Lê Mười đi làm về nhìn thấy trên đầu đứa cháu của mình là Trần Ngọc Chiến máu chảy đầm đìa. Mười liền hỏi cháu “sao đầu mày máu chảy vậy?”. Chiến chỉ tay ra đường ĐT743  “mấy thằng không quen, cháu đang đi trên đường tụi nó vô cớ chém cháu”. Nghe vậy, Mười hỏi lại “thằng nào?”, Chiến mô tả “thằng ngoài kia, tóc ngắn, áo có dính máu, hồi nãy nó đi chung với thằng chém cháu”! Chiến dứt lời, Mười đi vào nhà mở tủ lấy một dao lê bỏ vào túi quần đi ra chỗ Chiến lấy chiếc áo có dính máu nhìn đăm đăm và cầm lên “tao mang áo này ra cho tụi nó ăn hết máu mày”! Nói xong, Mười cầm áo và chạy xe máy lao thẳng ra đường lộ. Chạy được chừng 50m, Mười nhìn thấy hai thanh niên đang đi bộ trên lề. Mười chạy xe chặn trước mặt Phạm Văn Hùng, Phạm Đăng Công hỏi lớn “tại sao chúng mày chém cháu tao”? Vừa dứt lời, Mười liền nhảy xuống xe dùng dao chém vào đầu Hùng, Hùng đưa tay lên đỡ và phân bua “anh nhầm rồi, tụi em mới đi làm về”! Mười như không nghe thấy tiếng thanh minh nên tiếp tục vung dao đâm một nhát vào ngực khiến Hùng té ngã xuống và chết tại chỗ. Đâm xong, Mười đem dao về cất dưới gầm tủ rồi leo lên giường ngủ. Sáng hôm sau, Nguyễn Thị Mai Anh - vợ Mười thức dậy dọn dẹp thấy con dao vấy máu trong nhà liền gọi cháu mang ném bỏ ở mương nước gần đó. Gặng hỏi chồng, biết Mười là thủ phạm cầm dao đâm người, Mai Anh đã khuyên chồng ra đầu thú. Ngày 8-10-2009, Mười đến Công an TX.TDM đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Hôm xét xử Mười, phòng xử án chật kín người dự khán, bà con lối xóm của Mười đều kéo đến bởi cảm thương cho Mười vì phút cạn nghĩ mà hủy hoại cuộc sống tương lai. Người vợ tiễn chồng ra sân tòa với hai hàng nước mắt. 18 năm sẽ là quãng đường dài mà chị chờ chồng trở về.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=455
Quay lên trên