Nhiều địa phương lo ứng phó với mưa, lũ

Cập nhật: 13-09-2011 | 00:00:00

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm qua (12-9), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Trung Trung bộ tiếp tục nâng dần lên phía Bắc nên ở toàn bộ miền Bắc và Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ đã có mưa trên diện rộng.

Ở miền Bắc, lượng mưa không lớn nhưng kéo dài suốt cả ngày. Tại Nam bộ, mưa cũng xuất hiện nhiều nơi do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam mạnh lên. Mưa trên diện rộng đã ảnh hưởng tới hoạt động vui đón Trung thu, tại nhiều nơi không có trăng rằm.

Cũng do mưa lớn kéo dài nên tại các tỉnh thuộc Bắc miền Trung, từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh, lũ đang lên nhanh. Trên sông Bưởi tại Kim Tân, lũ đạt 6,63m. Trên sông Cả tại Dừa đạt 22,29m (gần báo động 2 - BĐ2), tại Nam Đàn: 6,72m, dưới BĐ2: 0,18m.

  Nông dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tranh thủ thu hoạch lúa Hè Thu 2011 tránh lũ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, thời tiết xấu gây mưa trên cả nước còn kéo dài 3-4 ngày nữa. khoảng ngày 19 và 20-9, một rãnh áp thấp khác được thiết lập lại qua khu vực Bắc Trung bộ, đồng thời có thể xuất hiện một bộ phận áp cao lạnh nhỏ từ phía Bắc, nên tiếp tục xảy ra mưa trên diện rộng. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong tháng 9-2011, có thể xuất hiện 4 - 5 đợt mưa lớn trên cả nước, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ lớn.

Tại ĐBSCL, mặc dù lũ ở thượng lưu sông Mê Kông đang xuống nhưng vùng hạ lưu đang lên. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,85m (dưới BĐ2: 0,15m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,29m (dưới BĐ2: 0,21m) và tại Long Xuyên: 2,26m (trên BĐ2: 0,06m). Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên biến đổi chậm.

Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh An Giang nhận định: Diễn biến thời tiết và thủy văn sắp tới rất phức tạp, đề nghị lãnh đạo UBND huyện, thị xã, TP hết sức quan tâm chỉ đạo sát bảo vệ đê, đập, bơm tiêu chống úng, đảm bảo an toàn cho lúa vụ 3. Yêu cầu sẵn sàng phương châm tại chỗ để kịp thời xử lý sự cố; trực cứu hộ cứu nạn tại các khu vực nguy hiểm; mở thêm các điểm giữ trẻ mùa lũ, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường…

Ngày 12-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp cho biết, hàng ngàn hécta lúa vụ 3 của các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Châu Thành, Lấp Vò vừa được ngành chức năng cùng các địa phương gia cố bờ bao, cống đập đảm bảo an toàn.

Nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch lúa vụ 3 (thu đông) trong điều kiện rất bất lợi như mưa dầm liên tục, nước lũ lên nhanh, lúa đổ ngã, đồng ruộng ngập nước làm cho máy gặt đập liên hợp khó hoạt động. Chính vì thế giá nhân công thu hoạch lúa tăng cao kỷ lục nhưng lại khan hiếm.

Tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… giá cắt lúa lên đến 300.000-450.000 đồng/công (1.000m²), chưa kể công thu gom, vác lúa 150.000-200.000 đồng/công. Đặc biệt, tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang còn hơn 300ha lúa hè thu sắp thu hoạch, tập trung ở xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều. Hiện nước đã ngập đến bông nên bằng mọi cách phải thu hoạch gấp. Thế nhưng, hiện nông dân không thuê được nhân công dù ra giá rất cao.

Ngày 12-9, ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, do chịu ảnh hưởng của những đợt sóng biển trong đợt mưa bão liên tiếp vừa qua, nên một số điểm ở tuyến đê biển Tây, đê biển Đông tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn còn khoảng 4-5m nữa là đến thân đê.

Cụ thể, tại tuyến đê biển Tây đoạn từ cống Rạch Dinh đến Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh sóng biển tác động gây sạt lở một đoạn gần 2km, ở phía Nam cống Lung Ranh cũng bị sạt lở một đoạn trên 230m. Ở tuyến đê biển Đông đoạn Gành Hào, Đất Mũi sóng biển cũng đã nuốt hàng chục kilômét đê biển.

Để khắc phục tình trạng sạt lở các tuyến đê biển đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân sống ở Tiểu vùng I Bắc Cà Mau, trước mắt, UBND tỉnh Cà Mau đã tạm ứng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh triển khai xây dựng kè ngầm tạo bãi, trồng lại rừng phòng hộ ở những điểm xung yếu nhất. Theo nhận định của ngành chức năng địa phương, do rừng phòng hộ ở các tuyến đê biển Tây và đê biển Đông của tỉnh Cà Mau không còn nên sóng biển đánh trực tiếp vào bên trong đê là nguyên nhân chính gây sạt lở liên tiếp trong thời gian qua.

Ngày 12-9, thống kê chưa đầy đủ từ Sở NN-PTNT các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kéo dài gần một tuần qua đã làm ngập úng hàng vạn hécta lúa hè thu 2011 giai đoạn phơi màu, chín rộ. Hiện nông dân đang lâm vào tình cảnh trớ trêu khi thu hoạch lúa non trúng lũ, ngoài việc tiêu tốn thêm tiền công gặt, công vận chuyển, công tuốt lúa, nhưng lúa non không chỉ cho năng suất thấp mà chất lượng gạo bán ra thị trường cũng giảm 25%-30% giá trị.

Vụ lúa hè thu 2011, Thừa Thiên - Huế gieo cấy được 25.079ha. Do điều kiện thời tiết vụ đông xuân năm nay mưa rét kéo dài nên thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài hơn bình thường 15 - 20 ngày, thu hoạch muộn, thời vụ gieo cấy hè thu hết sức căng thẳng. Hiện diện tích lúa đã trổ bông khoảng 23.900ha và chỉ mới thu hoạch hơn 1.100ha.

Ngày 12-9, mưa lớn trên diện rộng tại Quảng Trị vẫn nặng hạt nhưng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lúa chín đến đâu gặt đến đó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ sớm gây ra. Chiều 12-9, bà con nông dân huyện Hải Lăng đã tiến hành thu hoạch được trên 50% diện tích. Đối với các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh lúa đã trổ đòng trên 80%, dự kiến đến ngày 5-10 sẽ cơ bản thu hoạch xong. Riêng huyện Cam Lộ đến ngày 10-10 mới hoàn thành.

Trong hai ngày 11 và 12-9, hàng chục hộ dân ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bất chấp hiểm nguy, oằn mình trong lúa bị ngập sâu để… mót lúa. Theo người dân các thôn trên, trong những ngày qua trên địa bàn xã An Định (huyện Tuy An) có mưa nhỏ, nhưng đến khoảng 9 giờ sáng, đột nhiên nước sông Cái dâng nhanh, cao gần 1m, làm ngập gần như toàn bộ cánh đồng, bà con không kịp trở tay cứu lúa. Thống kê ban đầu, có khoảng 40 ha lúa vụ hè thu đang kỳ thu hoạch và hơn 2 ha lúa đã cắt xong nằm tại ruộng bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi.

Cũng theo người dân địa phương, nguyên nhân ruộng lúa bị ngập nhanh, chìm sâu trong nước là do các hồ thủy lợi ở thượng lưu đồng loạt xả lũ mà không thông báo trước cho dân. Tình trạng này đã từng xảy ra nhiều năm qua.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức canh trực nghiêm túc, phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ tại chỗ.

Theo yêu cầu của các địa phương, ngày 12-9, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An điều động 990 cán bộ, chiến sĩ và 38 xe ô tô các loại tham gia ứng trực và khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp dân di chuyển ra khỏi nơi ngập lụt, nơi bị cô lập nguy hiểm đến nơi an toàn. Lực lượng vũ trang Quân khu 4 còn tham gia hỗ trợ xử lý các tình huống, khắc phục sạt lở, giải tỏa ách tắc giao thông, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

Mưa lũ làm 5 người chết, hơn 1.000 căn nhà bị ngập, hư hại

Ngày 12-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mưa lũ trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại về người và tài sản tại các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tại huyện Cát Tiên có 230 căn nhà ở các xã Gia Viễn, Tiên Hoàng bị ngập (sâu nhất 50cm), kênh chính của công trình thủy lợi hồ Đắc Lô sạt lở 20m, gần 300ha lúa bị ngập và trên 2.700 con gia cầm bị cuốn trôi. Còn tại huyện Đạ Tẻh có 180 nhà dân bị ngập, trong đó khu vực ven suối Đạ Mí và Đạ Kho ngập nặng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm 2 người dân tại huyện này tử vong, trong đó 1 người bị lũ cuốn và 1 bị sét đánh.

Tại Bình Thuận, mưa lũ đã gây ngập 140 nhà dân tại các huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Ngoài ra, trên 250ha thanh long và hàng trăm hécta lúa tại Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi cũng bị ngập. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa, một số khu vực ven sông Dinh, Cô Kiều, Tà Môn và sông Phan vẫn đang ngập khá sâu.

Ngày 12-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, do mưa lớn kéo dài từ ngày 9 đến 12-9 đã gây ra ngập úng trên diện rộng và làm 3 người chết, do lũ cuốn trôi. Trong số 3 người bị nước cuốn có 2 mẹ con chị Vi Thị Mùi (42 tuổi) và con gái Vi Thị Dung (học lớp 6, trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông).

Tại bản Kẻ Gia còn có 5 ngôi nhà bị cuốn trôi và 2 ngôi nhà bị sập. Một người khác bị nước cuốn trôi là ông Hoàng Văn Quý (42 tuổi, trú xóm Canh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn). Cả 3 người đều đã được tìm thấy vào sáng 12-9. Mưa lũ cũng đã làm hơn 400 ngôi nhà, 4.361ha lúa, 2.867ha ngô và hoa màu, 174ha cây công nghiệp… bị ngập và hư hại. Có 8 hồ đập nhỏ bị hư hỏng, 4 cầu loại nhỏ bị cuốn trôi; 5.110m³ đất đá đường giao thông bị sạt lở…

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên