Nhiệm vụ tuyệt mật giúp chuyên gia Mỹ tìm ra xác tàu Titanic

Cập nhật: 04-07-2023 | 16:23:10

Cuộc tìm kiếm xác tàu Titanic năm 1985 gắn liền với một nhiệm vụ tuyệt mật của hải quân Mỹ liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.

Vào thời điểm nhà hải dương học Robert Ballard tìm thấy xác Titanic năm 1985, thế giới tưởng rằng ông khi đó chỉ có nhiệm vụ là tìm ra tàn tích của con tàu chở khách khổng lồ đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương năm 1912 do đâm vào băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Đến năm 2008, sự thật phức tạp hơn về cuộc tìm kiếm mới được hé lộ. Ballard vốn được hải quân Mỹ giao nhiệm vụ tuyệt mật là điều tra số phận hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm.

Phần mũi tàu Titanic rỉ sét nằm dưới đáy Đại Tây Dương.

Vụ chìm tàu Titanic năm 1912 đã gây chấn động toàn thế giới, khiến hàng trăm bài hát, hàng chục cuốn sách và bộ phim ra đời với chủ đề liên quan đến thảm kịch này. Nó cũng khiến quy định hàng hải thế giới phải thay đổi. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để tìm kiếm xác con tàu nhưng với độ sâu đại dương, điều kiện môi trường khắc nghiệt và những báo cáo mâu thuẫn về vị trí khiến mọi cố gắng đều thất bại.

Ballard, sinh năm 1942, đã đam mê đại dương từ khi còn nhỏ. Ông đang học tiến sĩ về địa chất biển tại Đại học Nam California vào năm 1967 thì được gọi nhập ngũ. Theo yêu cầu của Ballard, ông đã được chuyển từ lục quân sang hải quân với tư cách nhà hải dương học. Hải quân chỉ định ông làm liên lạc viên giữa Văn phòng Nghiên cứu Hải quân và Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts.

Công việc đã khiến ông quan tâm đến những vụ đắm tàu và ông mong muốn tìm ra xác tàu Titanic. Năm 1982, Ballard tiếp cận các quan chức quân đội Mỹ để yêu cầu họ tài trợ cho công nghệ lặn của ông nhằm tìm kiếm tàu Titanic. Ông giới thiệu với họ về Argo, robot dưới nước sâu do ông phát triển.

Argo là tàu lặn không người lái trang bị sonar dài 4,6 m, rộng hơn 1 m và cao hơn 1 m có khả năng hoạt động ở độ sâu 6.000 m. Nó có một dãy camera nhìn về phía trước và phía dưới, cùng hệ thống đèn để chiếu sáng đáy đại dương. Camera của nó có thể ghi hình góc rộng và phóng to để xem chi tiết.

Một quan chức từ chương trình chiến tranh tàu ngầm hải quân trả lời rằng họ sẽ cấp tiền cho thiết bị nhưng không phải để tìm con tàu chở khách xấu số. Thay vào đó, họ muốn Ballard đi đến các địa điểm hai tàu hạt nhân Mỹ USS Thresher và USS Scorpion, lần lượt bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương vào năm 1963 và 1968. Hải quân muốn Ballard chụp ảnh xác tàu. Họ đặc biệt quan tâm đến số phận của các lò phản ứng hạt nhân trên hai tàu ngầm này và liệu có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Liên Xô đã đánh chìm tàu Scorpion hay không.

Nếu Ballard hoàn thành nhiệm vụ đó sớm, ông có thể tìm tàu Titanic, nằm ở đâu đó giữa hai chiếc tàu ngầm đắm. Nhưng các quan chức hải quân khi ấy hoài nghi về khả năng Ballard tìm thấy bất cứ thứ gì, ông cho hay.

Tháng 8/1985, Ballard lên tàu nghiên cứu RVKnorr, triển khai Argo để kiểm tra hai tàu ngầm. Ballard và đội ngũ của mình phát hiện ra rằng hai tàu ngầm đã bị ép nát do áp suất cực lớn dưới biển. Ông nhận ra cách hải lưu ảnh hưởng đến mảnh vỡ: Những vật nặng hơn chìm nhanh hơn, tạo ra một vệt mảnh vỡ dưới đáy đại dương. Lần theo dấu vết mảnh vỡ dẫn họ đến phần còn lại của cả hai con tàu và giúp họ xác định vị trí dễ dàng hơn đáng kể so với việc trực tiếp tìm kiếm thân tàu.

Dữ liệu của Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm an toàn dưới đáy đại dương và không có tác động đến môi trường. Hải quân Mỹ nghiêng về giả thuyết tàu USS Scorpion chìm do một vụ nổ đã xảy ra trên tàu khiến nước tràn vào. Họ bác bỏ giả thuyết Liên Xô có liên quan, nói rằng không có dấu hiệu cho thấy tàu ngầm bị tấn công bởi vũ khí bên ngoài.

Robert Ballard, người phát hiện ra xác tàu Titanic, 73 năm sau khi con tàu bị chìm.

Ballard nhận ra kiến thức ông thu được từ nhiệm vụ kiểm tra hai tàu ngầm là bước đột phá mà ông hằng tìm kiếm. Nếu tìm thấy vệt mảnh vỡ của Titanic, ông có thể tìm thấy xác con tàu.

"Nó giống như một mũi tên chỉ cho ông biết phải đi hướng nào phải không?", người dẫn chương trình của ABC News Diane Sawyer hỏi Ballard trong một cuộc phỏng vấn năm 2008.

"Và nó chỉ ngay đến con tàu", ông trả lời.

Sau khi nhiệm vụ kiểm tra tàu ngầm kết thúc, Ballard bắt đầu cuộc tìm kiếm Titanic. Đội ngũ của ông triển khai Argo quét qua quét lại đáy đại dương để tìm dấu vết mảnh vỡ của Titanic.

Ngày 1/9/1985, Ballard đang nằm trên giường trên tàu nghiên cứu, đọc sách để đầu óc không bị căng thẳng thì một đầu bếp bước vào phòng. Cả đội muốn gặp Ballard.

Khi Ballard đến khoang điều khiển con tàu, các đồng nghiệp chỉ cho ông những gì Argo phát hiện ra. Một nồi hơi của tàu Titanic có thể được nhìn thấy qua đoạn phim trên màn hình nhiễu. 73 năm sau khi chìm, con tàu nổi tiếng nhất thế giới cuối cùng đã được tìm thấy.

Sau khi trở về trung tâm nghiên cứu đại dương ở Woods Hole, Massachusetts, đội tìm kiếm được chào đón như những người hùng. Tàu của tuần duyên Mỹ hú còi khi tàu nghiên cứu cập cảng. Ballard đứng trên khoang, nở nụ cười và giơ ngón tay cái lên làm dấu hiệu. Khoảng 100 phóng viên vây kín bến cảng và hai trực thăng của kênh truyền hình lượn trên đầu.

"Hải quân lúc đó nghĩ rằng tôi sẽ không tìm được tàu Titanic. Vì vậy, khi tôi thành công, họ thực sự lo lắng về mối quan tâm từ công chúng", ông nói với kênh National Geographic hồi năm 2008 về nhiệm vụ bí mật. "Nhưng mọi người quá quan tâm tới con tàu Titanic đến nỗi họ không mảy may kết nối các sự kiện lại với nhau".

Mặc dù tàu Titanic đã bị gãy làm đôi nhưng mũi tàu vẫn đứng thẳng. Một cửa sổ bị mất hé lộ không gian bên trong, nơi từng có một cầu thang trang trí công phu. Đáy đại dương rải rác những chiếc đĩa sứ, đồ nội thất và một chai champagne chưa mở. Đèn chùm vẫn treo trên trần tàu.

Cảnh tượng giống như một ngôi nhà bị ma ám, Ballard mô tả. Hầu hết mọi thứ còn nguyên vẹn, với rất nhiều đôi giày còn sót lại là dấu hiệu duy nhất của những người đã thiệt mạng.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1342
Quay lên trên