(BDO) Một trong hàng chục tác dụng “ăn tiền” của đậu đen là dưỡng da, làm đen râu, tóc; ăn thường xuyên giúp chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ
Đậu đen không chỉ có tác dụng chữa nhiều bệnh mà còn giúp dưỡng tóc, làm đẹp da Ảnh: Hoàng Triều
Đậu đen vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng hoạt huyết lợi thủy (dưỡng máu và lợi tiểu), khu phong giải độc, đại bổ thận kinh. Đậu đen thường được dùng để chữa trị phù thũng, phong thấp, cơ gân co quắp, ung nhọt... Mỗi 100 g đậu đen cung cấp 1.594 kcalo, 36 g protid, 15,9 g lipid, 33,6 g glucid, 10,2 g xơ; các vitamin B1, B2, PP, E và nhiều khoáng chất quan trọng.
Những bài thuốc chữa bệnh rẻ tiền.
- Trẻ em ho lâu không lành: Đậu đen 50 g, cá chình 1 con (khoảng 150 g), một ít muối. Cá chình bỏ nội tạng, rửa sạch, chặt khúc, cho vào nồi thêm nước vừa đủ, cùng đậu đen hầm chín, nêm muối. Mỗi ngày chia ra 2 lần ăn.
- Bứt rứt mất ngủ: Đậu đen 50 g, phù tiểu mạch 30 g, 7 hạt sen, 7 quả táo đen, một ít đường phèn. Sắc uống, bỏ bã, nêm đường phèn cho tan. Uống thay trà, dùng liền 10 ngày.
- Viêm thận mạn tính: Đậu đen 120 g, thịt nạc 0,5 kg. Cho vào nồi nấu canh, sau đó nêm nếm vừa ăn, ngày 1 nồi, chia 2 lần ăn, dùng liền 2-3 tuần.
- Kinh nguyệt đến sớm: Đậu đen 40 g, đảng sâm 10 g, đường đen 30 g. Sắc uống trước khi có kinh, mỗi ngày 1 thang, dùng liền 7 ngày.
- Tiêu chảy không cầm: Đậu đen 0,5 kg, bạch truật (sao) 30 g. Tán mịn, mỗi lần uống 20 g (uống với nước cơm).
- Ngộ độc thịt cá, ngộ độc thuốc, ung nhọt: Đậu đen vừa đủ. Sắc uống để giải độc. Hoặc đậu đen 50 g, cam thảo 10 g; sắc uống, chia 2 lần, dùng liền vài ngày.
- Ung nhọt lở ướt: Đậu đen vừa đủ. Tán bột đắp tại chỗ.
- Bỏng do nước sôi, lửa: Đậu đen vừa đủ, sắc lấy nước để thoa, sau khi lành không để lại sẹo.
- Viêm quầng trẻ em: Đậu đen vừa đủ, sắc đặc lấy nước để thoa tại chỗ.
- Thận suy đau lưng: Đậu đen vừa đủ, muối ăn một ít. Dùng đậu nấu canh, nêm muối rồi dùng.
- Miệng khát, ra mồ hôi trộm, ù tai do thận suy: Đậu đen, thiên hoa phấn với lượng bằng nhau, tán mịn, dùng hồ làm viên lớn như hạt bắp, ngoài ra dùng đậu đen nấu nước để uống với thuốc viên trên, mỗi lần 30 viên, ngày 2 lần, dùng liền 1-3 tháng.
- Hiếm muốn, liệt dương do thận suy: Đậu đen 100 g, thịt cầy 0,5 kg, cùng hầm nhừ, nêm ít muối, mỗi tuần 2-3 lần.
- Lưng sườn đau nhức: Đậu đen 300 g (sao), ngâm rượu uống.
- Phụ nữ sau sanh thiếu máu, bế kinh: Đậu đen rang chín tán mịn, mỗi lần dùng 60 g, sắc uống, hãm với đường đen để uống, dùng liền 3 tuần. Hoặc dùng đậu đen 40 g, hồng hoa 10 g, sắc uống, chia 2 lần, kèm với đường đen, ngày uống 1 lần (hâm ấm) cho đến khi hành kinh trong trường hợp bế kinh.
- Đau bụng dữ dội: Đậu đen 100 g, rượu gạo 60 ml, đường trắng vừa đủ. Đậu đen vo sạch, thêm rượu gạo và nước nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ nấu cho đến khi đậu nhừ, nêm đường trắng, ngày 1 lần, dùng liền vài ngày. Hoặc dùng đậu đen 50 g sao cháy sắc với rượu uống hoặc sắc với nước rồi chế thêm rượu vào uống.
- Mề đay: Đậu đen 60 g (gói riêng), thạch cao sống 15 g, sinh địa 10 g, phòng phong 10 g, sơn tra 10 g. Sắc uống và ăn đậu. Ngày 1 thang, dùng liền 7 thang.
- Đau đầu: Đậu đen 20 g, kinh giới 10 g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống, uống thường xuyên.
- Phù thũng, phù chân, đầy bụng: Đậu đen 50 g, cam thảo 30 g. Sắc uống, ngày 1 lần. Hoặc đậu đen 60 g, đậu đỏ 60 g, nấu nhừ, chia 2 lần dùng, uống nước ăn đậu, ngày 1 thang, dùng liền 3 tuần.
- Ra mồ hôi trộm: Đậu đen 20 g, hoàng kỳ 15 g; sắc uống.
- Suy nhược cơ thể: Đậu đen 50 g, đậu hũ ky 50 g, dầu ăn, muối ăn vừa đủ. Tất cả cùng nấu canh rồi nêm gia vị.
Ngoài các bài thuốc trên, đậu đen nấu với hà thủ ô còn có tác dụng dưỡng da, làm đen râu tóc, ăn thường xuyên giúp chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Đậu đen 250 g, hà thủ ô 60 g, câu kỷ tử 60 g, quả óc chó 12 quả. Quả óc chó (hạch đào nhân) sau khi rang thơm, băm nhuyễn; câu kỷ tử và hà thủ ô cho vào nồi đất, thêm 1 lít nước, nấu đến khi cạn còn 0,5 lít bỏ bã, lại cho quả óc chó và đậu đen vào trong nước thuốc, tiếp tục nấu đến khi quả óc chó nhừ, tất cả nước thuốc đều thấm hết vào đậu đen thì tắt bếp, đem đậu đi phơi khô. Mỗi lần uống 50 hạt, chia sáng và chiều, nhai rồi uống.
Theo NLĐ