Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng khả quan

Cập nhật: 17-11-2012 | 00:00:00

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Ông Võ Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh báo cáo tại hội nghị, năm 2012, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 12,5%. So với kế hoạch là 13,5% thì con số tăng trưởng chưa đạt nhưng rất khả quan so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tính đến nay, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp của tỉnh tương ứng là 62% - 34,2%- 3,8%. Mặc dù sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, lãi suất, thị trường tiêu thụ nhưng ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và bình ổn thị trường nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 140.660 tỷ đồng, tăng 14,2%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 15%, khu vực đầu tư trong nước tăng 12,5%.

 Cùng với công nghiệp, nông nghiệp Bình Dương đang phát triển theo hướng công nghệ cao Cũng trong năm qua, mặc dù ảnh hưởng khó khăn chung nhưng sức mua trên thị trường vẫn ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 75.145 tỷ đồng, tăng 29,7%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 91 chợ, 8 siêu thị, 7 trung tâm thương mại đang hoạt động đã kích cầu tiêu dùng và cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong năm, tình hình xuất khẩu cũng đạt mức tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,129 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế FDI tăng 19,3%, khu vực kinh tế trong nước tăng 3,5%. Số DN tham gia xuất khẩu mới cũng tăng thêm 55 DN, nâng tổng số toàn tỉnh lên con số 1.725 DN xuất khẩu vào 193 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Điểm nổi bật nhất trong năm 2012 là tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển xã hội với tổng số vốn đạt 44.920 tỷ đồng, tăng 24,8%, chiếm 58,1% GDP của tỉnh. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách, ước tổng giá trị khối lượng nghiệm thu là 4.150 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh được khởi công xây dựng. Một điểm nhấn quan trọng khá thành công của tỉnh là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vẫn nổi trội. Trong năm đã thu hút thêm được 2,609 tỷ USD vốn FDI. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.117 dự án FDI với số vốn 17,327 tỷ USD. Vốn trong nước cũng thu hút thêm 11.331 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh có 13.386 DN đăng ký kinh doanh với số vốn 102.771 tỷ đồng.

An sinh xã hội được bảo đảm

Một trong những điểm thành công nhất của tỉnh là vừa phát triển kinh tế vừa chăm lo chu đáo công tác an sinh xã hội. Điều này thể hiện “tầm” quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh, tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo tốt cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, những hoàn cảnh không may mắn. Tỉnh đã chi 226 tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc người có công, trong đó có xây mới 68 căn nhà và sửa chữa 207 căn nhà tình nghĩa; chi 167 tỷ đồng chăm sóc đối tượng xã hội, trợ giúp cứu trợ người nghèo; chi 313 tỷ đồng cho 48.303 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp… Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao và các lĩnh vực khác cũng được tỉnh đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, trong năm 2012, tỉnh đã làm tốt việc kiềm chế lạm phát, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự tiếp tục ổn định. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, phải tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chấn chỉnh tình trạng lúng túng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại diện được xét hộ nghèo, bảo đảm những người nghèo thật sự không phải chịu thiệt thòi; đồng thời thực hiện đúng các quy định về dạy thêm học thêm; các cơ sở y tế, bệnh viện, huyện, thị, thành phố cần quan tâm hơn đến tình hình dịch bệnh; rà soát và quản lý tốt để có kế hoạch sử dụng nguồn lao động thật tốt, không để xảy ra các điểm “nóng”, kiềm chế và giảm tai nạn giao thông; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng hiệu quả.

- Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một NGUYỄN THÀNH TÀI: Cần có giải pháp quyết liệt hơn về quản lý đô thị

Năm 2012, GDP của TP.Thủ Dầu Một tăng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tuy nhiên có một số chỉ tiêu chưa đạt đã ảnh hưởng đến việc thu ngân sách địa phương. Hiện nay, TP.Thủ Dầu Một đang tính toán các xã lên phường và tiến tới xây dựng thành phố đô thị. Trong quá trình đó, hiệu quả hiệu lực quản lý còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp quyết liệt hơn về quản lý đô thị.

- Chủ tịch UBND thị xã Thuận An ĐỖ THÀNH TÂM: Đã có kế hoạch xây dựng thêm 10 trường học trong năm tới

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã đều đạt khá, riêng chỉ tiêu thu ngân sách theo kế hoạch khó đạt. Kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới An Sơn sẽ sớm hoàn thành mục tiêu nhưng còn một vài tiêu chí phải bổ sung. Cái khó hiện nay ở thị xã là nhu cầu các bậc học tăng rất nhanh, nhất là bậc mẫu giáo và tiểu học. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 10 trường học trong năm tới. Do vậy, rất cần tỉnh quan tâm hơn.

- Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An VÕ VĂN MINH: Công tác quản lý đô thị gặp khó khăn

Nổi lên của thị xã Dĩ An hiện nay là vấn đề quản lý đô thị, xây dựng. Hiện nay, một tháng thị xã Dĩ An tiếp nhận khoảng 1.500 hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở. Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý lĩnh vực ở cấp thị rất mỏng nên ít nhiều gây khó khăn trong công tác quản lý đô thị. Do vậy, đây là vấn đề rất cần tỉnh quan tâm chỉ đạo.

- Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG: Cần vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng

Cái khó hiện nay của Tân Uyên là tập trung giải phóng mặt bằng trên các tuyến đường 741, 746, 747 và một số dự án khác nhưng đang thiếu vốn đền bù. Tân Uyên cần 200 tỷ đồng để giải quyết dứt điểm công tác đền bù và cần số vốn lớn để đầu tư cơ sở cho kế hoạch tách huyện lên thị xã và huyện mới Chiến khu Đ.

NHÓM P.V CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên