Nhiều dấu ấn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số
(BDO) Năm 2024, Bình Dương xác định cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số tiếp tục là khâu đột phá trong triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính. Việc chỉ đạo quyết liệt trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, triển khai Đề án 06 đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Dẫn đầu cả nước về số lượng thực hiện dịch vụ công
Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, cho biết về cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh, đến nay đã có 1.507 thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện DVC trực tuyến, chiếm 80,06%, đạt chỉ tiêu của Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Trong đó, DVC trực tuyến toàn trình là 828 thủ tục, DVC trực tuyến một phần là 679 thủ tục. Bình Dương đứng đầu cả nước về số lượng TTHC thực hiện DVC trực tuyến.
Cũng theo ông Trương Công Huy, trên Cổng DVC quốc gia ghi nhận, năm 2024, việc số hóa kết quả đầu ra của tỉnh đạt 88,51%, số hóa hồ sơ đầu vào đạt 80,7%. So với năm 2023, tỷ lệ này rất tốt. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ 36,67%; số hồ sơ TTHC có sử dụng thông tin, dữ liệu dân cư được kết nối, chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 45,12%.
“Nhìn chung, công tác cải cách TTHC trên nền tảng số năm 2024 đạt được kết quả nổi bật trong thực hiện DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến và công tác số hóa hồ sơ. Đồng thời, tỉnh triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về TTHC liên thông, lý lịch tư pháp trên VNeID và triển khai hệ thống chứng thực điện tử trên hệ thống của tỉnh đối với 100% địa phương trong tỉnh”, ông Trương Công Huy chia sẻ.
Khắc phục khó khăn, phục vụ nhân dân
Nhìn một cách tổng thể, đến nay việc tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ và sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thấp. Nguyên nhân do các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh chủ yếu tập trung số hóa hồ sơ, kết quả năm 2023, 2024, chưa triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong các năm 2022 trở về trước theo quy định tại Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 31-12- 2021 của UBND tỉnh. Công tác số hóa hồ sơ đã triển khai thực hiện tốt, tuy nhiên một số sở, ban ngành chưa thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC và có tỷ lệ hồ sơ số hóa đầu vào thấp dưới 50%. Song song đó, việc thực hiện các quy định pháp lý liên quan đến sao y điện tử, ký số, lưu trữ điện tử… chưa được quy định rõ ràng, cụ thể gây khó khăn trong công tác triển khai. Kết quả sao y điện tử chưa được nhiều nơi chấp nhận nên người dân vẫn đề nghị cung cấp bản giấy để nộp hồ sơ. Do đó, cán bộ cấp xã vừa công chứng giấy vừa chứng thực điện tử dẫn đến xử lý công việc tăng lên gấp đôi.
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tập trung công tác xử lý TTHC phi địa giới hành chính trong năm 2025, trong đó chú trọng số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, làm giàu cơ sở dữ liệu để việc thực hiện DVC trực tuyến toàn trình, liên thông thực chất, tái sử dụng kết quả số hóa để giảm hồ sơ giấy khi thực hiện TTHC. Từng cấp, từng ngành tập trung rà soát, đánh giá đối với ít nhất 70% trên tổng số TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, tập trung các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động. Song song đó là đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC để người dân, doanh nghiệp tái sử dụng trong quá trình nộp hồ sơ TTHC.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến đạt từ 80%, toàn trình đạt trên 50%, thanh toán trực tuyến đạt 80%, số hóa đầu ra trên 90%, số hóa đầu vào đạt hơn 60%, số hóa 100% hồ sơ năm 2021, 2022; tái sử dụng kết quả số hóa và cơ sở dữ liệu đạt từ 50%, giảm 50% hồ sơ giấy. Trước yêu cầu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị từng cấp ủy Đảng, các sở, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng chương trình hành động về cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Từ đó, xây dựng các nội dung, nhiệm vụ, dự án cụ thể, vốn, nguồn lực, đặt ra mục tiêu cụ thể, trách nhiệm, nhiệm vụ từng đơn vị và cán bộ, người đứng đầu đơn vị, địa phương; đồng thời, theo dõi, kiểm tra theo từng tháng, quý, năm để có chỉ đạo, điều chỉnh, tháo gỡ điểm nghẽn và kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ, công chức có giải pháp, sáng kiến và thành tích trong công tác cải cách TTHC và chuyển đổi số.
Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt 77,25%. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ 99,74%, trễ hạn chiếm 0,26%. Toàn tỉnh thực hiện thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến đạt 72,95%, đạt chỉ tiêu năm 2024 Chính phủ giao là 50%... |
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN