Nhiều địa phương chưa mạnh tay xử lý chó thả rông

Cập nhật: 25-11-2022 | 09:58:57

Ngay sau khi Báo Bình Dương đăng bài “Chấn chỉnh việc nuôi chó thả rông trong khu dân cư”, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc trước tình trạng chó thả rông phóng uế nơi công cộng và cắn người nhưng chính quyền địa phương vẫn còn thờ ơ trong việc xử lý.

Ám ảnh vì… chó thả rông!

Dạo một vòng quanh khu phố 6 và khu phố 7 phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một), P.V ghi nhận tình trạng chó thả rông và chạy rượt theo người đi đường rất nhiều. Đi sâu vào trong các con hẻm, có nhiều nhà nuôi đến 5 con chó và thả ra đường cho chúng rượt đuổi, cắn nhau với chó hàng xóm mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Lúc P.V đi ghi nhận tình trạng trên đã bị 5 con chó hùa nhau rượt cắn nhưng không thấy “bóng dáng” của chủ.


 Chó thả rông luôn là mối nguy hiểm cho người đi đường

Theo phản ánh của người dân, gần đây có một đàn chó khoảng 10 con là nỗi khiếp sợ của nhiều người tại đường Phạm Ngọc Thạch (TP.Thủ Dầu Một). Theo ghi nhận của P.V, đàn chó trên được một nhà dân nuôi để giữ nhà, khi một con sủa thì những con còn lại hùa theo, chúng thường nằm ngay cổng như để “uy hiếp” người ra vào. Theo phản ánh của nhiều hộ dân gần đó, đàn chó thường đuổi nhau phóng nhanh ra đường gây nguy hiểm cho người đi đường, phóng uế đầy vỉa hè gây mất vệ sinh và rất hung dữ.

Trong quá trình ghi nhận thực tế, P.V đã được nghe nhiều người dân than vãn về chuyện chó thả rông. Chị Trần Thị T. kể lại, ngày cuối tuần chị ghé nhà người thân tại phường Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) chơi. Trên đường về, khi chị đang điều khiển xe thì bị một con chó to thẳng vào. Quá bất ngờ, chị T. tông xe mạnh vào con chó rồi té xuống đường dẫn đến hậu quả là chị T. bị gãy xương đùi phải đến bệnh viện bó bột điều trị 2 tháng, chị phải tạm nghỉ việc tại công ty và mất thu nhập.

Trong khi đó một số người dân ở phường Tân Vĩnh Hiệp (TX.Tân Uyên) bức xúc cho biết tại một số con hẻm ở địa phương, tình trạng chó thả rông cắn người và phóng uế bừa bãi đã trở thành nỗi ám ảnh. Người dân mong muốn chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc xử lý tình trạng này…

Tiếp tục tuyên truyền và nhắc nhở

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An), việc xử lý chó thả rông phải được tiến hành từng bước, trước tiên là thông báo cho chủ vật nuôi, tuyên truyền và vận động họ chấp hành các quy định. Sau đó cán bộ phụ trách sẽ kiểm tra để nắm tình hình và phối hợp với cán bộ thú y phường bắt chó thả rông. Hiện nay, nhiều địa phương không mạnh tay xử lý việc chó thả rông là do khâu xử lý sau khi bắt về khá phức tạp. Khi bắt chó thả rông về phải nhốt, cho ăn và thông báo cho chủ đến nhận trong vòng 48 giờ, nếu chủ không nhận phải đưa đến một đơn vị có uy tín phục vụ cho công tác nghiên cứu chứ không phải tùy tiện định giá và xử lý.

Qua trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Thú y TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay đơn vị đã tiêm ngừa phòng bệnh dại cho hơn 9.200 con chó. Việc quản lý vật nuôi là trách nhiệm của chính quyền địa phương; mỗi người dân khi nuôi phải khai báo để địa phương nắm số lượng, từ đó địa phương phối hợp với các bộ thú y tiêm ngừa theo định kỳ để bảo đảm an toàn và phòng tránh bệnh dại.

Trong khi đó ông Trần Thanh Phong, Trạm trưởng Trạm Thú y TX.Tân Uyên, cho biết thời gian qua địa phương đã tuyên truyền nhiều giờ trên hệ thống loa phát thanh của thị xã về những hiểm họa của việc nuôi chó thả rông. Ngoài ra, tại các khu dân cư, cán bộ thú y đã gắn các pa nô tuyên truyền và phát hàng ngàn tờ rơi đến các hộ dân về việc chú trọng giữ gìn an toàn cho vật nuôi và tiêm ngừa định kỳ theo quy định.

“Đối với những hộ nuôi chó nhưng không chấp hành các biện pháp an toàn, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh như ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn thì người dân có thể điện thoại trực tiếp thông báo lên UBND phường, sau đó chính quyền địa phương sẽ có cán bộ tiếp nhận và xử lý bằng hình thức nhắc nhở hoặc phạt hành chính. Khi người dân phản ánh và cung cấp cụ thể địa chỉ những hộ nuôi chó không bảo đảm an toàn, vệ sinh thì sẽ có cán bộ thú y kết hợp với lực lượng chức năng địa phương xử lý mạnh tay”, ông Trần Thanh Phong khẳng định.

Theo Chỉ thị số 18/ CT-UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân có nuôi chó hiểu rõ tác hại của việc thả rông chó, không rọ mõm, không có xích cổ và không người dẫn dắt chó khi đi ra ngoài; bằng nhiều phương thức để người nuôi chó phải hiểu biết các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động nuôi chó và thực hiện nghiêm túc nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chó nuôi.

Tăng cường áp dụng biện pháp chế tài các trường hợp nuôi chó thả rông trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng, để chó nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác, quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, để chó nuôi phóng uế nơi công cộng, nuôi chó gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư, chó bị chết không xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường xử lý theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP; trường hợp không chấp hành lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh, không tiêm phòng vắc xin bệnh dại, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì xử lý theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nêu trên.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên