Nhiều địa phương tăng cường triển khai bình ổn giá

Cập nhật: 15-11-2010 | 00:00:00

Ngày 14-11, tại các chợ bán lẻ, giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục biến động. Một số mặt hàng giá bán đã đứng ở mức đỉnh điểm như trứng vịt 27.000 đồng/chục; dầu ăn 37.000 đồng/lít; thịt bò phi lê từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; thịt heo 3 rọi lên 70.000 - 73.000 đồng/kg; rau xà lách búp 60.000 đồng/kg; xà lách xoong 40.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, giá bán một số loại rau xanh như cải ngọt, bầu, bí… có dấu hiệu giảm từ 500 -1.000 đồng/kg.

Theo thống kê của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM, so với hồi đầu quý 2-2010, giá các nhóm hàng công nghệ tăng bình quân từ 10%-15%; thực phẩm phẩm tươi sống tăng từ 12%-15%, trong đó rau củ quả đã tăng tới 30%; nhóm hàng may mặc và những sản phẩm có nguồn gốc từ bông và sợi cotton tăng từ 25%- 30%.

Nguồn hàng đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2011.

Riêng mặt hàng đường, trên quầy kệ tại một số siêu thị của Co.opMart vào một vài thời điểm trong ngày 14-11 trở nên trống rỗng do sức mua tăng vọt (vì giá bán vẫn ổn định ở mức 18.000 đồng/kg, trong khi giá bên ngoài thị trường đã tăng lên 24.000-25.000 đồng/kg). Trước tình hình trên, người tiêu dùng lo ngại liệu thị trường có thiếu đường?

Trả lời vấn đề này, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện mặt hàng đường nằm trong diện bình ổn giá đang được Saigon Co.op dự trữ lên tới 3.000 tấn. Do sức mua tập trung quá đông, siêu thị không kịp châm hàng chứ hoàn toàn không thiếu.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đã yêu cầu 2 doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá đối với mặt hàng đường là Công ty Thành Công và Công ty Thực phẩm Công nghệ thành phố tiếp tục đẩy mạnh lượng hàng ra thị trường. Hiện lượng đường RE đã được các DN chuẩn bị lên tới 11.050 tấn, tức cao gấp 6 lần so với kế hoạch được giao sẽ phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng người dân TP từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2011.

Từ nay đến tết, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường giám sát tiến độ thực hiện của các DN. Trường hợp DN không chuẩn bị đủ lượng hàng như đã cam kết, TP sẽ điều chuyển nguồn vốn bình ổn, giao các DN khác thực hiện. Để đa dạng hóa mặt hàng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân, TPHCM đã có chủ trương đưa mặt hàng thủy hải sản vào diện bình ổn. Đồng thời, TP đang mời gọi các DN (như Công ty CP Phạm Tôn và HTX Tiên Phong) có khả năng cung ứng về thịt gia cầm, gia súc tham gia tự nguyện, tức không nhận tiền hỗ trợ lãi suất nhưng vẫn đăng ký số lượng và các sản phẩm tham gia, đồng thời thực hiện đúng cam kết với TP về giá bán và thời gian thực hiện bình ổn giá.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, TPHCM đang yêu cầu các DN phát triển nhanh và mạnh hơn nữa mạng lưới phân phối hàng hóa bình ổn giá. Về phía sở cũng đang rà soát lại các chợ truyền thống chưa sử dụng hết công năng để bố trí mở thêm các điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 11-2010, Sở Công thương sẽ báo cáo UBND TPHCM về kế hoạch phát triển hệ thống các điểm bán 8 nhóm bình ổn trên toàn địa bàn TP. Bà Lê Ngọc Đào khẳng định, với nguồn hàng được chuẩn bị chu đáo tăng từ 30%-40% so với cùng kỳ, hệ thống phân phối sẽ được mở rộng, hàng bình ổn giá sẽ đủ sức chi phối và dẫn dắt thị trường. Do vậy, người dân TP không nên tạo áp lực cho chính mình bằng cách đổ xô đi mua hàng để chứa trữ, gây rối loạn thị trường.

* Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, các địa phương ở ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát vấn đề này.

Tại Cà Mau, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, cửa hàng tổng hợp, cửa hàng bán lẻ… thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán tất cả các loại hàng hóa. Trong đó, đặc biệt chú ý đến một số mặt hàng chiến lược như xăng dầu, vật tư xây dựng, kim khí điện máy, vàng, ngoại tệ, lương thực, thực phẩm… mọi trường hợp tùy tiện nâng giá bán bất hợp lý sẽ bị xử lý.

Tại Cần Thơ, UBND TP vừa chấp thuận tạm ứng vốn ngân sách 30 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, sữa, thực phẩm chế biến...) bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Tân Mão 2011.

Tại Đồng Tháp, Hậu Giang… UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các loại hàng hóa thiết yếu, chủ động có các phương án, giải pháp để kịp thời điều tiết và bình ổn thị trường bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên