Nhiều điểm mới trong Luật Nuôi con nuôi 2010

Thứ hai, ngày 18/07/2011

Luật Nuôi con nuôi (NCN) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17-6-2010. Luật gồm 5 chương, 52 điều quy định chi tiết về NCN trong nước, NCN có yếu tố nước ngoài, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước về NCN. So với các quy định của pháp luật hiện hành thì Luật NCN năm 2010 có nhiều điểm mới cơ bản...

Xác định quyền lợi của trẻ em là hàng đầu

Điều 4 Luật NCN xác định rõ nguyên tắc giải quyết việc NCN. Đó là, khi giải quyết việc NCN cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Bởi vì, gia đình nơi trẻ em sinh ra được coi là môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ em. Do con non nớt về thể chất và trí tuệ nên trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt trong bầu không khí yêu thương, hạnh phúc và cảm thông của những thành viên trong gia đình.

 Trẻ bị bỏ rơi sẽ tìm được mái ấm thay thế tốt hơn khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực (ảnh chỉ mang tính minh họa)  Ảnh: T.Trung

Việc NCN phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Trong quá trình NCN, lợi ích của trẻ em phải được tính đến trước tiên trong mối tương quan với lợi ích của cha mẹ nuôi. Việc NCN phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các bên liên quan, không phân biệt giữa người nhận con nuôi là nam hay nữ, đơn thân hay đã kết hôn; đồng thời không phân biệt giữa con nuôi là trai hay gái.

Chỉ cho làm con người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước. Đây cũng là nguyên tắc được thừa nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Nếu việc nuôi dưỡng trong phạm vi gia đình không thể thực hiện được thì phải tính đến các biện pháp chăm sóc thay thế ở trong nước, trong đó có việc NCN. Chỉ sau khi đã xem xét thỏa đáng các giải pháp trong nước mà vẫn không tìm được mái ấm gia đình cho trẻ thì mới tính đến việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài và việc đó phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ.

Tạo điều kiện để trẻ em có gia đình thay thế

Điều 15 Luật NCN năm 2010 quy định trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nhằm bảo đảm trẻ em có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước. Việc tìm mái ấm được thực hiện ở 3 cấp, gồm: xã, tỉnh và Trung ương. Ở cấp xã, việc tìm gia đình thay thế được thực hiện bằng cách niêm yết tại trụ sở UBND trong thời hạn 60 ngày; ở cấp tỉnh, được thực hiện bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong thời hạn 60 ngày; ở Trung ương được thực hiện bằng việc đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nếu hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, thì trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài.

Bên cạnh đó, Điều 36 của luật còn quy định, nếu hết thời hạn nêu trên, trẻ em đang được xem xét để giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài nhưng Sở Tư pháp chưa giới thiệu cho người xin con nuôi cụ thể nào đó, mà có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì vẫn được xem xét giải quyết.

Như vậy, trẻ em có  hoàn cảnh đặc biệt được tạo cơ hội đến mức tối đa để tìm được mái ấm gia đình thay thế. Luật còn quy định công dân trong nước có nhu cầu và nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi mà chưa xác định được trẻ em cần nhận làm con nuôi, thì có thể đăng ký nhu cầu với Sở Tư pháp nơi thường trú (Điều 16), nếu có trẻ em để giới thiệu thì Sở Tư pháp giới thiệu người đó đến UBND cấp xã nơi thường trú để xem xét giải quyết.

Và một số điểm mới khác

Luật NCN năm 2010 đã xác định điều kiện của người được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài là như nhau, đồng thời nâng độ tuổi của trẻ em được cho làm con nuôi từ 15 tuổi (theo pháp luật hiện hành) đến dưới 16 tuổi (Điều 8). Đặc biệt, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng có thể được cho làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô, cậu dì, chú bác ruột.

Tại Điều 10 của luật này cũng quy định về bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc của trẻ em. Quy định này nhằm khẳng định và bảo vệ quyền được biết về nguồn gốc của mình của trẻ em được cho làm con nuôi, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan trong quan hệ NCN trong việc bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc của trẻ em khi các em đến tuổi trưởng thành và có yêu cầu.

Tại Điều 12 quy định người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký NCN, người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam phải trả một khoản tiền bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết NCN nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xac minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.

Ngoài ra, tại Điều 36 về thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài thuộc Sở Tư pháp...

Luật NCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011.

NHÂN QUANG