Đã gần hết quý I-2024 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn đang cần nhiều lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, các ngành may, giày da, gỗ cần nhiều lao động phổ thông, kể cả lao động không có tay nghề và liên tục thông báo tuyển dụng.
Ngành may mặc, giày da đang cần nhiều lao động phổ thông
Ngành may cần nhiều lao động
Ghi nhận của P.V, rất nhiều DN tại các Khu công nghiệp (KCN) như Sóng Thần, Đại Đăng, Đồng An, Mỹ Phước và một số DN trên địa bàn TP.Tân Uyên vẫn tiếp tục thông báo tuyển dụng lao động. Các cấp công đoàn trong tỉnh vẫn tích cực chia sẻ thông báo tuyển dụng lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để giúp người tìm việc dễ tiếp cận hơn. Một số DN đang tuyển dụng lao động đưa ra chế độ đãi ngộ khá tốt. Điển hình như Công ty TNHH Tans Việt Nam (KCN Mỹ Phước 1) đang tuyển gấp 200 công nhân may có tay nghề với chế độ ưu đãi như tiền chuyên cần, tiền lương sản lượng, bậc tay nghề; trợ cấp nuôi con nhỏ, đi lại, ăn ở; trợ cấp độc hại và lương tháng 13...
Để đáp ứng cung cầu lao động trong quý II-2024, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục mở các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, cập nhật chính sách cho DN; mở các phiên giao dịch định kỳ; liên hệ các DN để thực hiện liên kết lao động với các tỉnh còn nguồn lao động. Cùng với đó, trung tâm tiếp tục phát triển các kênh tư vấn giáo dục việc làm cho lao động và DN như Zalo, OA, các nhóm việc làm, Facebook... |
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, số DN đến kết nối đăng tuyển, tìm nguồn lao động lên đến hàng ngàn người, kể cả lao động phổ thông không có tay nghề. Các lĩnh vực cần số đông lao động vẫn là may mặc, giày da, điện tử, ngũ kim, gỗ, in... Trong giai đoạn mở rộng sản xuất hiện nay, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An) đang tuyển dụng 1.500 công nhân may cùng hàng trăm vị trí việc làm khác như bảo trì máy, thợ máy, kiểm hàng, đóng gói. Về chế độ ưu đãi, với lao động mới sau một tháng làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng/người và hỗ trợ đi lại 400.000 đồng/người/tháng cho lao động ngoài tỉnh. DN cũng thông báo thưởng cho người lao động (NLĐ) giới thiệu công nhân may đến làm việc tại DN mình.
Cùng trong ngành may mặc, may sofa, các Công ty TNHH Meraki FW (KCN Đồng An), Công ty TNHH Soul Gear ViNa (KCN Mỹ Phước II), Công ty TNHH Motomotion (KCN Mỹ Phước 3), Công ty TNHH Key Bay Furniture (phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên)..., mỗi DN đang tuyển từ 200-500 lao động với mức thu nhập ổn định, có DN cung cấp nơi ở ổn định cho công nhân.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, chia sẻ: “Thị trường lao động năm 2024 được dự báo vẫn còn khó khăn, tuy nhiên đã có chuyển biến tích cực khi đến thời điểm hiện nay vẫn còn không ít DN treo bản tuyển dụng lao động. Bên cạnh ngành may và giày da, điện tử vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng, do đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho lao động phổ thông”. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm cho 23.474 lao động; giới thiệu việc làm cho 16.486 người và số xin được việc làm ổn định là 8.269 người. Bên cạnh đó, số DN tự thông báo tuyển dụng tại DN cũng rất lớn. Điều đó cho thấy, thị trường lao động trên địa bàn sôi động hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023.
Vì sao khó tuyển dụng lao động?
Theo các đơn vị tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân thiếu hụt lao động phổ thông trong những tháng đầu năm 2024 là do trước đó nhiều DN thiếu đơn hàng sản xuất, không bảo đảm thu nhập, một lượng lớn công nhân lao động đã về quê hoặc tìm được việc làm ổn định ở lĩnh vực khác. Cùng với đó, sự phát triển công nghiệp từ các tỉnh trong những năm gần đây phần nào làm hạn chế lao động phổ thông xin việc ở tỉnh xa. Một nguyên nhân khác là lao động ở độ tuổi 40 khó xin việc ở DN, nên chủ yếu xin việc thời vụ. Nhu cầu tìm việc thời vụ hoặc không tham gia bảo hiểm tăng cao là do một số NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp e ngại có việc làm chính thức mới, sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Trung tâm DVVL tỉnh, nguyên nhân DN và NLĐ “không gặp được nhau” là do nhiều DN tuyển dụng mức lương bình quân không cao; DN cần tuyển lao động trẻ từ 35 tuổi trở lại để đào tạo, lao động lớn tuổi phải có tay nghề. Đa số DN ở xa chưa đáp ứng được phúc lợi như nhà trọ, trường học cho con em NLĐ; không ít DN trả lương theo sản phẩm, nên NLĐ không đáp ứng được yêu cầu.
Để đáp ứng cung cầu lao động trong quý II-2024, ông Nguyễn Thanh Phương, cho biết Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục mở các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, cập nhật chính sách cho DN; mở các phiên giao dịch định kỳ; liên hệ các DN để thực hiện liên kết lao động với các tỉnh còn nguồn lao động. Cùng với đó, trung tâm tiếp tục phát triển các kênh tư vấn giáo dục việc làm cho lao động và DN như Zalo, OA, các nhóm việc làm, Facebook...
Về giải pháp dài lâu, ông Nguyễn Thanh Phương, cho rằng cần có sự phối hợp giữa các ngành trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo; tham mưu điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ. DN cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân NLĐ trong khu vực DN, nhất là những bất cập về tiền lương.
QUANG TÁM