Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương dự kiến vượt trên 2,7% so với kế hoạch. Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mới từ thị trường xuất khẩu chủ lực, lợi thế từ hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và thực thi.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Rolchdate Spears
Vượt kế hoạch đề ra
Theo Sở Công thương, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023, vượt 2,73% so với kế hoạch năm; dự kiến xuất siêu đạt khoảng 10 tỷ USD. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 19,31 tỷ USD, chiếm 56,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong số này có 4 mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao, gồm sắt thép các loại đạt 2,2 tỷ USD, tăng 32,4%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 17,6%; hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,1%; giày dép các loại đạt 1,8 tỷ USD, tăng 13,8%.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) ngành da giày ở Bình Dương đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý I-2025. Bên cạnh đó, nhờ điều kiện sản xuất trong nước ổn định nên lượng đơn hàng những tháng cuối năm đã dịch chuyển từ một số quốc gia châu Á về Việt Nam, mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành da giày trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày là Liên minh châu Âu (chiếm 34,1%), tiếp theo là Hoa Kỳ (chiếm 27,7%), Nhật Bản (chiếm 7,4%)...
Bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty TNHH Rolchdate Spears (TP.Thuận An), chuyên sản xuất mặt hàng nội thất cao cấp, cho biết năm 2024 công ty đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.000 lao động. Một lợi thế của công ty là nhiều năm qua đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Công ty tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường, điều tiết sản xuất ổn định.
Năm nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, dự kiến đạt khoảng 10 tỷ USD. Cộng đồng DN đánh giá thị trường Hoa Kỳ có sức tiêu thụ lớn và yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, là điểm đến chiến lược cho nhiều ngành hàng của Bình Dương. Với những nỗ lực xuất khẩu sang thị trường này của tỉnh và cộng đồng DN giúp các DN mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chủ động nắm bắt thị trường
Năm 2025, Bình Dương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9-10%. Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2025, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; cùng với đó cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; hình thành các ngành dịch vụ chất lượng cao dựa trên công nghệ 4.0, phát triển các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tái cơ cấu ngành thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ, số hóa và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và hệ sinh thái toàn cầu và khu vực; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết các DN cũng cần nhìn nhận là hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Bình Dương chưa xây dựng được thương hiệu mạnh tại thị trường nước ngoài. Đơn cử như mặt hàng gỗ của Bình Dương chiếm 41% tổng sản phẩm xuất khẩu gỗ của cả nước, song vẫn chưa có những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế. Phần lớn các DN phải “mượn tên” thương hiệu của DN nước ngoài khi xuất khẩu ra thị trường các nước; chủ yếu sản xuất gia công theo các đơn hàng, kiểu dáng, mẫu mã từ khách hàng nước ngoài, chưa chủ động tung ra những mẫu mã, thiết kế mang giá trị văn hóa Việt…
“Trong thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ DN củng cố thị trường xuất khẩu chủ lực; mở rộng thị trường các nước ký kết, thực thi hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Song song đó, các sở, ngành liên quan tích cực triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa và thị trường xuất khẩu; triển khai các quy định về rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sở hữu trí tuệ, cam kết đáp ứng hạn chế khí thải carbon… tại các thị trường xuất khẩu đến cộng đồng DN”, bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm.
TIỂU MY - CẨM TÚ