Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ

Cập nhật: 09-12-2023 | 20:12:50

(BDO) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ

Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp, đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020.

Thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2672 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 trên địa bàn tỉnh. 

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Theo đó, nông nghiệp tại Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 là duy trì diện tích trồng trọt đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu hiện có; khoảng 2% diện tích trồng cây ăn quả và cây rau chủ lực ở các vùng sản xuất tập trung bảo đảm theo hướng nông nghiệp hữu cơ; tăng thêm 1% diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ; sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1% trên tổng sản lượng sản xuất của tỉnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Bình Dương. Nông nghiệp Bình Dương với thế mạnh là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao; các tiến bộ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt như hệ thống tưới thông minh, nhà màng, thủy canh, nuôi cấy mô… Hiện toàn tỉnh có hơn 580 ha diện tích trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 187 ha đã được chứng nhận hữu cơ.  

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng: để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới tỉnh Bình Dương cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ tập trung đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phát triển vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ…

Cần sự chung tay, đồng hành 

Để nông nghiệp hữu cơ của Bình Dương phát triển và đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 2672 của UBND tỉnh rất cần có sự chung tay, đồng hành của người sản xuất, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và sự chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ để địa phương có bước đi, lộ trình thực hiện đúng, sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị chuyên ngành cấp tỉnh, huyện, thị thành phố căn cứ vào điều kiện thực tiễn, vùng sản xuất để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hữu cơ hàng năm phù hợp; chú ý tính khả thi khi triển khai thực hiện như đối tượng cây trồng, vật nuôi, qui mô diện tích, lựa chọn đối tượng tham gia mô hình… Đặc biệt là các huyện, thị thành phố phải xây dựng  kế hoạch hữu cơ riêng cho địa phương mình; bởi hiện nay chỉ có 3/9 huyện, thị thành phố đã ban hành kế hoạch. 

Theo ông Phạm Văn Bông, Sở sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các buổi tọa đạm, hội nghị chuyên đề để người sản xuất, cán bộ quản lý và các chuyên gia đến gần với nhau hơn, cùng nhau thảo luận, trao đổi, qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, cán bộ quản lý các cấp về sản sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung, phong phú về chủ đề đảm bảo hiệu quả tuyên truyền. 

Về phía người sản xuất, ngành NN&PTNT yêu cầu thay đổi tập quán, thói quen sản xuất thông thường, áp dụng và chuyển đổi quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu nông sản Bình Dương.

Ngoài ra, tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện có như: chính sách VietGAP, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, chính sách về nông nghiệp hữu cơ. 

Các đại biểu tham quan mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát

Song song đó, ngành NN&PTNT Bình Dương luôn lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; đồng hành và từng bước tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của người sản xuất thông qua các cơ chế, chính sách, các hoạt động kết nối, tư vấn kỹ thuật. 

Ông Phạm Văn Bông cũng mong rằng các chuyên gia, các đơn vị tư vấn về nông nghiệp hữu cơ tiếp tục tham gia hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ với ngành nông nghiệp Bình Dương trong thời gian tới đạt những kết quả tốt hơn. 

Phương Anh - Kim Tuyến

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=746
Quay lên trên