Những ngày này, Hội LHPN cấp xã, phường trong toàn tỉnh đã và đang tổ chức Đại hội đại biểu Hội LHPN cơ sở nhiệm kỳ 2021-2026, tiến tới đại hội cấp huyện, thị, thành phố và cấp tỉnh. Nhìn lại phong trào thi đua từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đã xuất hiện nhiều gương điển hình, nhiều cách làm hiệu quả.
Đồng bộ từ cách chỉ đạo, thực hiện
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2021, Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các phong trào thi đua theo từng nội dung cụ thể. Các gương cá nhân, tập thể điển hình được phát hiện, ghi nhận và nhân rộng từ cơ sở càng khẳng định hơn hiệu quả của hoạt động hội các cấp.
Trong 5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực, thiết thực đóng góp cho xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hội đã đề ra kế hoạch cụ thể cho từng chương trình hành động và thống nhất, đồng bộ với các đơn vị trực thuộc, đưa nội dung về phát hiện, nhân rộng và tuyên truyền gương điển hình vào nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, gương các tập thể, cá nhân điển hình được chia theo từng lĩnh vực, như: Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, phong trào thi đua, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19… đã được các cơ sở hội triển khai thực hiện tốt, đem lại hiệu quả cao. Bằng niềm đam mê lao động, sáng tạo, bằng tấm lòng bao dung nhân ái, các chị đã tạo nên sự ảnh hưởng tích cực đến những người khác, trở thành những bông hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước…
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các gương điển hình phụ nữ thực hiện tốt phong trào thi đua
Đối với cơ sở hội, cả 91/91 cơ sở hội đã triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua này, mỗi năm tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ. Hội cũng đã duy trì tủ sách pháp luật, tủ sách lưu động tại các chi hội nữ công nhân nhà trọ với hơn 6.000 đầu sách. Mô hình phòng đọc sách làm điều hay, mỗi người góp một quyển sách để đọc nhiều hơn… đã góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình…
“Quả ngọt” từ phong trào thi đua
Theo báo cáo thi đua trong nhiệm kỳ qua của Hội LHPN tỉnh, trong 5 năm qua có nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ được tuyên dương trên các lĩnh vực, như: Qua sơ kết 2 năm Chỉ thị 05 đã khen thưởng 13 tập thể tiêu biểu và 130 cá nhân xuất sắc. Lĩnh vực phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng gặt hái được nhiều thành công. Hiện toàn tỉnh có 6 loại hình với 127 câu lạc bộ, đội, nhóm với gần 28.730 thành viên tham gia các mô hình tiêu biểu, tập hợp nữ thanh niên công nhân nhà trọ, phụ nữ nông thôn để giúp nhau thuận tiện hơn. Các cấp hội toàn tỉnh đã giúp 190 chị có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp thành công với những hình thức khác nhau với số tiền hỗ trợ hơn 5,7 tỷ đồng.Hơn 23.000 chị có kinh tế khá giúp gần 20.000 chị khó khăn vay hơn 53 tỷ đồng làm kinh tế gia đình. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” có hơn 99% phụ nữ đạt các tiêu chí đề ra.
Đặc biệt, từ phong trào thi đua yêu nước do Hội LHPN các cấp thực hiện đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong 8 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% xã nông thôn mới với 46/46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới chất lượng cao… Các chi hội phụ nữ ở các cơ quan như Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tích cực hỗ trợ phụ nữ trong việc tìm hiểu nội dung các bộ luật liên quan để hỗ trợ cho công tác hội cũng như cuộc sống hàng ngày…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một (đơn vị được khen thưởng về mô hình chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường), cho biết TP.Thủ Dầu Một có 200 tuyến đường, kênh rạch được các chị giữ gìn, chăm sóc. Hội LHPN các phường còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động thi đua yêu nước, giữ gìn “thương hiệu” lễ hội miễn phí rằm tháng giêng hàng năm. Đây là nét đẹp của người dân đất Thủ nghĩa tình, mến khách, văn minh trong ứng xử…
Trong khi đó chị Ngô Thị Minh Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, chia sẻ: “Bạch Đằng là một xã cù lao, với hơn 1.631 hộ, hơn 70% người dân sống bằng nghề nông là trồng bưởi, hành, bạc hà… Tôi luôn trăn trở làm sao cho hoạt động của hội đạt hiệu quả nhất. Tôi trực tiếp gặp gỡ chị em, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, điều kiện sống của họ, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, xem chi hội như một mái nhà chung để giúp phụ nữ nhiều nhất có thể. Tôi đã thực hiện mô hình gom phế liệu, đem bán dành tiền làm vốn. Câu lạc bộ thu gom phế liệu được thành lập từ tháng 4-2018, có 12 thành viên, nay đã hơn 30 thành viên. Các thành viên đã cùng tôi dành dụm tiền bán phế liệu được hơn 6 triệu đồng, giúp chị em vay vốn làm ăn. Số tiền tuy không lớn nhưng cái được lớn nhất là bà con ý thức việc bảo vệ môi trường ”.
QUỲNH NHƯ