Sản xuất nguyên phụ liệu giày tại công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thành phố Thuận An (Bình Dương).
Ngày 29/9, nhiều hãng tin nước ngoài đã đưa tin về số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đồng thời dự báo quá trình phục hồi sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Hãng tin AFP dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 đạt 5,33%, cùng với những số liệu cho thấy lãi suất cho vay đã giảm, thu thuế tăng và đầu tư công tăng, tạo ra một tác động tích cực cho nền kinh tế.
Trang Nikkei Asia cho biết tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khởi sắc một phần nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Ngành dịch vụ đã giúp thúc đẩy sản lượng kinh tế trong 3 tháng vừa qua, trong đó động lực chính là sự phục hồi của lĩnh vực bán lẻ và du lịch. Ngành này dự kiến sẽ đóng góp 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Các khách du lịch đã trở lại các địa điểm du lịch nổi tiếng, như thành phố Đà Nẵng, trong đó lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, đạt 2,25 triệu lượt khách, vượt xa mức 1,27 triệu lượt khách trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái.
Cũng theo Nikkei Asia, các số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đang phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trở lại từ tháng 5 và đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trong tháng 9 vừa qua.
Tính chung 9 tháng của năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Tân Hoa xã cũng dẫn các số liệu chính thức của cho biết từ đầu năm đến ngày 20/9, Việt Nam đã thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 5,8% “chủ yếu do nhu cầu bên ngoài còn yếu."
Tuy nhiên, người phụ trách nghiên cứu kinh tế Việt Nam của ADB, ông Shantanu Chakraborty cho rằng: “Nền kinh tế vẫn có sức chống chịu tốt và dự báo phục hồi trong tương lai gần nhờ tiêu dùng nội địa mạnh lên vì lạm phát giảm dần, kích thích đầu tư công và cải thiện các hoạt động kinh tế."
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các ngành dệt may, giày dép và điện tử vẫn đối mặt nhiều khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Điều này là do nhu cầu xuất khẩu giảm./.
Theo TTXVN