Nhiều kết quả tích cực trong điều trị thuốc ARV

Thứ tư, ngày 13/12/2023

(BDO) Hiện nay, HIV không còn là “án tử” với người nhiễm. Một người nhiễm HIV uống thuốc kháng vi rút (ARV) hàng ngày theo chỉ định, duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho bạn tình qua đường tình dục.

 Vẽ tranh tuyên truyền, vận động không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên ghi nhận ở nước ta vào năm 1990, trong 33 năm qua, có khoảng 242.000 ca mắc; trong đó gần 220.000 người còn sống, được quản lý. Người nhiễm HIV đầu tiên là một phụ nữ đến nay đã hơn 60 tuổi và đang được theo dõi, điều trị tại một bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh.

Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nguy cơ quay lại còn cao. Số liệu giám sát phát hiện cho thấy dịch có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, tỷ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện là nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84 - 86%). Đường lây HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Nếu như trước đây, HIV lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy thì nay, 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm này tăng gấp đôi và có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ đa số trong tổng số người nhiễm mới trong thời gian tới. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV vì họ thường có tâm lý e ngại, sợ kỳ thị. Vấn đề kỳ thị người nhiễm HIV vẫn là một trong những rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thống kê tại Bình Dương từ đầu năm đến nay, số ca nhiễm HIV mới phát hiện là 540 ca, trong đó có khoảng 15% là người có hộ khẩu Bình Dương; số nhiễm HIV tích lũy là 9.300 người, trong đó người Bình Dương là 3.860 người. Số người nhiễm HIV tích lũy cao nhất có hộ khẩu tại TP.Thủ Dầu Một là 800 người, thấp nhất là ở huyện Bắc Tân Uyên với 125 người. Số nhiễm HIV/AIDS tử vong trong 9 tháng năm 2023 là 35 ca, số tích lũy tử vong trên người nhiễm HIV là 1.138 người, trong đó cao nhất là ở TP.Dĩ An với 203 người. Số người nhiễm HIV còn sống, quản lý được là 6.500 người; số trẻ em dưới 16 tuổi còn sống, quản lý được là 75 trẻ.

Toàn tỉnh đã có 9/9 huyện, thị, thành phố có cơ sở chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/ AIDS bằng thuốc ARV với 10 phòng khám ngoại trú người lớn, 1 phòng khám ngoại trú nhi, 1 phòng xử trí lây truyền HIV từ mẹ sang con tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 2 trại giam thuộc Bộ Công an trên địa bàn tỉnh. Tổng số người đang điều trị là 5.795 người lớn và 59 trẻ em điều trị tại phòng khám ngoại trú nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. TP.Thủ Dầu Một có 3 cơ sở đang điều trị cho 754 người lớn, 59 trẻ em và 925 người tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một. Ba cơ sở này chiếm 30% tổng số bệnh nhân đang điều trị của cả tỉnh.

Ở các thành phố, huyện, thị còn lại: TP.Dĩ An có 1 cơ sở đang điều trị cho 927 người; TP.Thuận An có 1 cơ sở điều trị cho 1.226 người; huyện Phú Giáo có 1 cơ sở đang điều trị cho 115 người tại Trung tâm Y tế huyện và 2 trại giam trực thuộc Bộ Công an (89 người tại trại giam An Phước và 34 người tại trại giam Phú Hòa); TX.Bến Cát có 1 cơ sở đang điều trị cho 932 người, TP.Tân Uyên có 1 cơ sở đang điều trị cho 574 người, huyện Dầu Tiếng có 1 cơ sở điều trị cho 160 người. Hai phòng khám ngoại trú tại huyện Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2023 và đã điều trị những bệnh nhân đầu tiên.

Điều trị ARV quan trọng khâu tư vấn

Hiện HIV không còn là “án tử” với người nhiễm. Một người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, duy trì được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho bạn tình qua đường tình dục. Để đạt tải lượng HIV được ức chế liên tục và đáng tin cậy đòi hỏi người bệnh phải sử dụng loại thuốc phù hợp và tuân thủ điều trị tốt. Nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị, kết hợp chăm sóc tốt, người nhiễm HIV có thể có thời gian sống khỏe mạnh tương đương tuổi thọ của người không nhiễm HIV; vẫn có thể lao động bình thường, có khả năng đóng góp cho gia đình và xã hội.

 Tỉnh Bình Dương đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việc kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS, mà khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Bác sĩ CKI Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết tuân thủ tốt việc dùng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm đạt và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện và sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Tuy nhiên, muốn giúp bệnh nhân tuân thủ tốt việc điều trị thì việc tư vấn là khâu đặc biệt quan trọng. Thông thường lúc đầu phát hiện nhiễm HIV, đa số bệnh nhân rất hoang mang, bi quan… không có niền tin vào cuộc sống và có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Bác sĩ, nhân viên cần tư vấn tận tình để người bệnh ổn định tinh thần rồi mới tư vấn kiến thức về bệnh, về các dịch vụ và vai trò, lợi ích của việc điều trị ARV, lợi ích của tuân thủ điều trị, lợi ích của K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)...

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tư vấn cho người nhiễm HIV là cả một quá trình liên tục cần sự kiên trì, bền bỉ và sự tận tâm của bác sĩ, nhân viên, kể cả các nhóm nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) tại phòng khám. Thời gian qua, bảo hiểm y tế là bước đột phá trong chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng với 96% người nhiễm bệnh tham gia. Theo chúng tôi, đây sẽ là giải pháp bền vững, lâu dài để bảo đảm nguồn thuốc ARV và các xét nghiệm theo dõi trong suốt quá trình điều trị của người bệnh”, bác sĩ CKI Vương Thế Linh cho biết thêm.

 HOÀNG LINH - DIỄM HẰNG