Nhiều khách hàng bất ngờ vì giá điện tăng

Cập nhật: 01-07-2012 | 00:00:00

Với mức tăng 5% từ hôm nay, nhiều hộ kinh doanh cho biết giá điện sẽ đội lên khoảng trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp chia sẻ "buộc phải lên kế hoạch tiết kiệm điện để tồn tại trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm".

8 giờ sáng, trời Hà Nội đổ mưa, khoảng chục nhân viên của Đội Quản lý Điện lực 1, Công ty điện lực Đống Đa cấp tập chốt công tơ điện cho các hộ sản xuất và kinh doanh.

Bước vào một khách sạn gần khu vực Văn Miếu, 2 nhân viên Đội Quản lý Điện lực 1 phải giải thích đến 5 phút vì bảo vệ khách sạn không biết việc tăng giá điện. Một số người còn đùn đẩy nhau không dám ký biên bản chốt công tơ vì sợ trách nhiệm.

  Nhân viên điện lực đội 1 giải thích cho khách hàng về việc chốt chỉ số công tơ.

Chị Ngô Thanh Giang, quản lý nhà hàng KoTo (Hà Nội) chia sẻ, chị có nghe thông tin về điện tăng bán lẻ bình quân lên 5%. Mỗi ngày nhà hàng sử dụng hết khoảng 400kWh điện, một tháng con số lên tới 12.000 kWh.

Với mức bình quân tăng khoảng 65 đồng mỗi số, thì hằng tháng, số tiền nhà hàng phải trả tăng lên khoảng 780.000 đồng. "Điện tăng giá, nhà hàng lại tiêu thụ nhiều nên chúng tôi sẽ sử dụng tiết kiệm hơn", chị Giang chia sẻ.

Ngày đầu tiên chốt chỉ số công tơ rơi đúng vào chủ nhật, nên không ít đơn vị đóng cửa, thậm chí có trường hợp không biết giá điện tăng bắt đầu từ ngày hôm nay. Anh Phạm Tuấn Trình, nhân viên bảo vệ tổng Công ty TNHH Tập đoàn tháng máy Thăng Long tỏ ra khá dè dặt khi thấy nhân viên điện lực đến: "Tôi có nghe nói tăng giá điện nhưng không biết bắt đầu từ hôm nay". Do không có thẩm quyền, anh không dám ký vào biên bản chốt chỉ số công tơ vì "sợ sếp mắng".

Tương tự, tại TP HCM, nhiều hộ sản xuất kinh doanh ngỡ ngàng khi giá điện tăng. "Tăng giá điện nữa à, từ hôm nay hả anh, tháng sau lại phải tính cách tiết kiệm nữa rồi. Mỗi tháng hơn chục triệu tiền điện, giờ lại phải trả thêm, trong khi buôn bán ế ẩm", một nhân viên khách sạn nhỏ khu vực quận 1 cho biết.

Từ ngày 1-7, giá điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh, với mức tăng bình quân 65 đồng, tương đương 5% lên bình quân 1.369 đồng mỗi kWh (chưa bao gồm VAT). Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc cao nhất là 2.192 đồng, thay vì mức cũ là 2.060 đồng. Giá điện sản xuất cao nhất áp dụng từ 1-7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng. Còn giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng.

Ông Đỗ Duy Nam, quản lý khách sạn King Star (TP HCM) tính toán, mỗi tháng mất gần 25 triệu đồng tiền điện, giờ tăng thêm 5%, tức khoảng hơn 1,2 triệu đồng một tháng, nên doanh nghiệp sẽ buộc phải tính toán lại cách "xài" điện. "Năm nay kinh tế khó khăn, tất nhiên tăng giá điện sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, chúng tôi buộc phải nghĩ cách tiết giảm", ông Nam nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Quản lý Điện lực 1, Công ty Điện lực Đống Đa cho biết, trong ngày đầu tăng giá điện lên 5%, đội của anh phải chốt 730 khách hàng tại 3 phường Văn Miếu, Cát Linh và Quốc Tử Giám. 10 người chia nhau ra các địa điểm để hoàn thành công việc trong ngày hôm nay. Ông Tuấn Anh khẳng định, nếu trời tạnh mưa, công việc có thể hoàn tất lúc 12h trưa. Trường hợp trời không ngớt, công việc phải kéo dài chậm hơn kế hoạch 3 tiếng.

Theo anh Hứa Mạnh Hùng, nhân viên Công ty Điện lực Sài Gòn thì sáng nay anh phải đi chốt chỉ số cho khoảng 250 địa điểm, do là ngày chủ nhật nên đầu giờ sáng có nơi chưa mở cửa nên phải đi nhiều vòng và quay lại tại những địa điểm chưa chốt chỉ số.

Trong ngày hôm nay, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty điện lực TP HCM sẽ chốt lần lượt hơn 137.000 và 130.830 khách hàng kinh doanh, sản xuất. Các khách hàng sinh hoạt tính theo phương pháp nội suy.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên