Nhiều khó khăn trong thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

Cập nhật: 08-09-2022 | 11:23:57

(BDO) Thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), thời gian qua ngành y tế đã tổ chức tuyên truyền phổ biến luật này, xây dựng mô hình không thuốc lá trong các đơn vị trường học, nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc. Tuy nhiên, việc thực thi các nội dung của luật còn nhiều khó khăn. 


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương tổ chức nói chuyện chuyên đề tác hại thuốc lá trong trường học 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua việc thực thi Luật PCTHTL, nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá tăng lên. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện có trên 90% cán bộ công chức, viên chức, người lao động hiểu biết rõ về quy định của Luật PCTHTL, quy định về nơi làm việc không khói thuốc. Trong khi đó, người dân đã có những hiểu biết nhất định về tác hại của thuốc lá thụ động. Do đó, tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động giảm trong gia đình, tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật này đã xuất hiện một số bất cập, như: Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với luật; văn bản không còn phù hợp, như mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến PCTHTL còn thấp, chưa đủ tính răn đe dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong thanh thiếu niên, người nghèo; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá còn thấp; quy định về xử lý thuốc lá nhập chưa phù hợp; còn thiếu các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…

Bên cạnh đó, hiện lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh; công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc. Trong khi đó, các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, từ đó làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới.

Trước những khó khăn nói trên, Bộ Y tế đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam, đồng thời quản lý chặt thuốc lá làm nóng; đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá. 

Với mục tiêu kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng xã hội Youtube, Facebook… Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về PCTHTL, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị định xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL như tăng mức phạt, tăng thẩm quyền đối với lực lượng xử phạt, áp dụng phạt nguội đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng…

HOÀNG LINH - QUỲNH TRANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=748
Quay lên trên