Nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Nhà giáo

Cập nhật: 11-12-2024 | 10:42:44

(BDO) Dự thảo Luật Nhà giáo đang là vấn đề được dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp tới chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo. Khi dự thảo được công bố rộng rãi để lấy ý kiến, dư luận xã hội và cả những người trong ngành giáo dục đều dành sự quan tâm đặc biệt, nhất là những điểm mới, những quy định lần đầu tiên được xác lập. Với mong muốn đảm bảo quyền lợi và nâng cao vị thế của nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo mới đang được kỳ vọng sẽ đi vào thực tế và mang đến những thay đổi tích cực.


Đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục Bình Dương kỳ vọng Luật Nhà giáo sớm đi vào thực tiễn

Nhiều điểm mới được quan tâm

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội gồm 9 chương với 50 điều. Dự thảo có 6 điểm mới cơ bản, gồm: thứ nhất, lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp; thứ ba, chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; thứ năm, chính sách tiền lương và đãi ngộ; thứ sáu, quản lý nhà nước về nhà giáo. 

Đặc biệt, những điểm mới của Luật Nhà giáo đã cập nhật đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về công việc liên quan đến nhà giáo. Điển hình, đó chính là chính sách tiền lương của nhà giáo, theo Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật... 

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đây là điều rất được các nhà giáo trông đợi vì sẽ góp phần chia sẻ khó khăn, áp lực đối với nhà giáo. Ngành giáo dục kỳ vọng Luật Nhà giáo sẽ nhấn mạnh hơn vị thế của nhà giáo trong xã hội, từ đó nâng cao sự tôn trọng và đánh giá của cộng đồng đối với nghề giáo. Điều này giúp tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến. 

Một điểm đặc biệt trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này, đây là lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập. Cụ thể, các quy định tại dự thảo Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đây là lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ. 

Gắn bó với ngành nhiều năm, hiện là cán bộ quản lý của một trường ngoài công lập, cô Lê Thị Duyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, hi vọng những nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo sẽ có tác động tích cực, đặc biệt là tạo cú hích đối với nhà giáo ngoài công lập. Từ đó tạo đà cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.


Những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật nhà giáo

Nhiều kỳ vọng khi đi vào thực tiễn 

Với 9 chương, 50 điều, trong đó có nhiều điểm mới quy định về chế độ, chính sách, dự án luật này đang nhận được rất nhiều kỳ vọng, mong chờ từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước nói chung cũng như tỉnh Bình Dương nói riêng. 

Nhiều ý kiến kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy phát triển đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo cống hiến và gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Cô Diệp Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) chia sẻ: 

“Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Tôi kỳ vọng khi Luật nhà giáo đi vào thực tiễn sẽ giúp đội ngũ giáo viên sống được với lương của mình. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong nền giáo dục vì vậy mong Luật sẽ có những quy định quan tâm hơn nữa về chế độ của đội ngũ nhân viên này để họ có thêm động lực cống hiến và gắn bó với nghề. Tôi cho rằng, khi Luật Nhà giáo được thông qua và đi vào thực tế sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển nền giáo dục”.

Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Tân Uyên cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp; đồng thời nâng cao vị thế và thu nhập của nhà giáo. 

Điều này không chỉ giúp thu hút những người tài năng vào nghề mà còn tạo động lực để đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, bớt đi những lo toan về việc mưu sinh để tận tâm cống hiến, gắn bó bền vững với nghề.

Là một trong những giáo viên ngoài công lập đang công tác tại một trường mầm non trên địa bàn TP.Thuận An, cô Lê Thị Hoa chia sẻ: “Đối với những giáo viên ngoài công lập như tôi đây là một thông tin vui. Hy vọng luật nhà giáo sớm đi vào thực tế để đội ngũ giáo viên ngoài công lập chúng tôi có thêm động lực để có thể gắn bó lâu dài với nghề”. 

Luật Nhà giáo mới không chỉ là mong muốn của đội ngũ nhà giáo mà còn là kỳ vọng của toàn xã hội. Luật Nhà giáo mới được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

“Dự thảo Luật Nhà giáo là một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện cơ chế, chính sách đối với giáo viên và những người làm trong ngành GD&ĐT, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hấp dẫn để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Đối với tỉnh Bình Dương, một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, việc triển khai Luật Nhà giáo sẽ mang lại những kỳ vọng và lợi ích thiết thực nhất cho đội ngũ nhà giáo”, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT

HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=55
Quay lên trên
X