Nhiều mặt hàng thiết yếu trước sức ép tăng giá!

Cập nhật: 13-08-2013 | 00:00:00

Một số mặt hàng tăng nhẹ

 Tại chợ Thủ Dầu Một, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ có giá thịt heo là tăng nhẹ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, tùy loại, tùy người bán. Hiện một vài loại thịt heo được người tiêu dùng sử dụng nhiều như ba rọi rút sườn, sườn non, đùi giá tăng thêm 5.000 đồng/kg, giá trung bình từ 80.000 - 130.000 đồng/ kg, giò heo, thăn,… vẫn ở mức cũ, 60.000 - 75.000 đồng/kg. Giá heo hơi trại đã tăng thêm 60.000/đồng/tạ, ở mức 41.000 - 46.000 đồng/kg trong 2 tuần qua. “Người tiêu dùng chê giá cao nên hàng bán chậm. Tuy nhiên, chúng tôi không có cách nào khác để neo giá cũ vì đầu vào đã tăng”, chị Mười, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một cho biết. Giá gạo, nếp đang cómức tăng nhẹ, dao động từ 200 - 800 đồng/kg…    Giá thịt heo đã tăng từ vài ngày qua

Các loại thủy hải sản tại một số chợ lẻ trong ngày 11- 8, giá giữ nguyên so với 2 tháng trước. Cụ thể tôm sú giá 230.000 đồng/kg, mực lá, mực ống giá 200.000 - 220.000 đồng/kg; cá lóc ruộng 130.000- 140.000 đồng/kg, thịt bò giá giữ ở mức 250.000 - 260.000 đồng/kg. Giá một số loại thực phẩm tươi sống vẫn ổn định do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua vẫn bình thường. Trong đó, giá gà giảm bình quân từ3.000 - 5.000 đồng/kg, do dịch bệnh trên gia cầm, gia súc cónguy cơ bùng phát trở lại khiến người dân e ngại, giá khó tăng, một tiểu thương tại chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An) giải thích. Chị Oanh, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một cho biết, các loại rau, quả được bỏ sỉ vẫn giữ giá từ tháng 6 đến nay, do đó giá bán lẻ không biến động nhiều. Ngoại trừ, khoai tây Đà Lạt giá tăng mạnh từ 30.000 lên 40.000 đồng/kg, củ hành tây Đà Lạt cũng tăng lên 36.000 đồng/ kg. Theo chị Oanh, giá 2 loại củ này tăng, chủyếu chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, người mua tẩy chay hàng Trung Quốc khiến giá sản phẩm có xuất xứ trong nước tăng mạnh.

Tại các siêu thị, giá bán hiện vẫn theo bảng giá niêm yết cách đây 2 tháng, có chăng giá chỉ tăng trên một vài mặt hàng do mưa bão đứt hàng nên giá tăng từ nơi cung cấp, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Nhân viên siêu thị Co.opMart Bình Dương cho biết, hầu hết mặt hàng bán trong siêu thị đang ở mức giá ổn định chứ không tăng, thậm chí “có một số nhóm hàng được nhà cung cấp áp dụng khuyến mại, giá thấp hơn mặt bằng chung khoảng 10 - 15%”, đại diện siêu thị này nói.

Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị Big C chia sẻ, hiện nay giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn giữ ở mức ổn định, riêng các loại trái cây, thịt được điều chỉnh giảm giá nhiều đợt để kích thích sức mua. Đại diện Big C cho biết thêm, giá các mặt hàng trong siêu thị luôn được giữ ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Việc lên xuống theo giá xăng, sức mua, thời tiết không làm ảnh hưởng thay đổi giá ở siêu thị nhanh như đối với các chợ.

Kiềm chế đà tăng giá

Theo quy luật, mặt bằng giá thị trường chịu tác động bởi những yếu tố như giá điện, xăng dầu, nước sạch, gas, dịch vụ khám chữa bệnh… qua đó, sẽ tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và giá một số hàng hóa, dịch vụ khác. Sự tăng giá các nhóm hàng hóa cơ bản này sẽ tác động đến chi tiêu của hộ gia đình sau khoảng 1 - 2 tháng, cũng có nghĩa là sẽ tác động đến CPI bắt đầu từ tháng 8 này. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế- xã hội trong nước và thếgiới, Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có thể tăng 0,6% so với tháng trước. Còn theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng, chỉ số CPI tháng 8 có thể sẽ tăng mạnh khoảng 1% so với tháng 7, cao hơn mức dự báo 0,6 - 0,7% mà Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo. Nguyên nhân ngoài những yếu tố vừa nêu trên còn có sự kiện tháng 9 là thời điểm khai giảng năm học mới nên mặt bằng giá cả thường tăng cao hơn so với tháng 7 và tháng 8. Do đó, Maybank Kim Eng dự đoán CPI tháng 9 có thể tăng khoảng 1 - 1,5% so với tháng 8.

Trước những diễn biến này, để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường, giá cả, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường kiểm soát, điều hành giá cả các hàng hóa quan trọng, theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời có biện pháp bình ổn giá... để kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương. Theo Bộ Tài chính, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Do tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn, giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như giá điện; giá than cho sản xuất điện; học phí, viện phí... Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu trong nước. Ngoài ra, nhu cầu một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng tăng vào dịp khai giảng, lễ 2-9 và những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014...

 TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên