Nhiều ngành sản xuất đang lo thiếu nguyên liệu

Cập nhật: 28-06-2010 | 00:00:00

Thiếu nguyên liệu khiến nhiều ngành hàng sản xuất và xuất khẩu rơi vào thế bị động: sản xuất thiếu ổn định, giá cả thiếu tính cạnh tranh, thị trường mất ổn định cung cầu...Vấn đề này không mới nhưng không được giải quyết triệt để và liên tục tái diễn là do nhiều ngành hàng đang thiếu những quy hoạch phát triển tổng thể, từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến xuất khẩu.

 

Sẽ thiếu mía vào giữa vụ ép đường

 

Vụ mía 2010- 2011 dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9-2010. Dù diện tích mía đã tăng lên so với vụ trước nhưng do ảnh hưởng nặng nề của nắng hạn, dịch bệnh và ngập mặn kéo dài nên nhiều diện tích mía giảm năng suất.

  Chế biến tôm đông lạnh tại Công ty XNK thủy sản Thanh Hóa.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong niên vụ tới, nguy cơ thiếu mía giữa vụ ép đường rất dễ xảy ra. Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Nhà máy mía đường Cần Thơ, nhiều diện tích mía giảm năng suất. Tại một số địa phương, nông dân phải trồng lại do mía bị chết, vì vậy, nhiều khu vực mía sẽ phải thu hoạch muộn hơn mọi năm 2- 3 tháng.

 

Như vậy, thời gian từ tháng 12 đến Tết Nguyên đán Tân Mão, các nhà máy sản xuất đường sẽ thiếu mía nguyên liệu trầm trọng.

 

Cùng quan điểm này, bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đường Biên Hòa cho biết, không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà ở các khu vực miền Đông Nam bộ, các nhà máy ép đường cũng đứng trước nguy cơ thiếu mía cho chế biến vì nắng nóng.

 

Nhiều khu vực hiện nay mới xuống giống trở lại, sẽ không kịp để sản xuất và nguy cơ thiếu mía, đường sẽ lặp lại như năm ngoái.

 

Nguyên liệu thủy sản thiếu trầm trọng

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long phải hoạt động cầm chừng.

 

Dự báo, việc tăng nguồn cung nguyên liệu chế biến trong thời gian ngắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu có thể kéo dài hết năm 2010, đặc biệt với một số loại thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...

 

Nguyên nhân trước hết là do giá nguyên liệu thủy sản tăng cao trong thời gian gần đây khiến các hộ nuôi đẩy mạnh thu hoạch, không dự trữ nhiều. Thứ hai là do những biến động về giá cả nguyên liệu thủy sản nên nhiều người dân đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản sang trồng cây ăn quả, trồng màu ổn định hơn khiến diện tích nuôi thủy sản tại nhiều địa phương đang có xu hướng giảm rõ rệt.

 

Trong khi đó, công suất của các nhà máy chế biến thủy sản lại không ngừng được nâng cao, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Mặt khác, những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp khi đến mùa thường trữ nguyên liệu nhằm ổn định sản xuất khi vào thời điểm trái vụ.

 

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên không tính đến việc dự trữ, mà chỉ duy trì nguồn nguyên liệu ở mức vừa phải để đáp ứng những đơn hàng đã ký.

 

Tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản đang đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào tình thế không hoàn thành hợp đồng. Ðồng thời nhiều lao động không có việc làm.

 

Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 cũng khó đạt được như kỳ vọng là 4,5 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2009.

 

THEO TTXVN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên