(BDO) Thực hiện kế hoạch bình ổn trước, trong và sau tết của UBND tỉnh, từ tháng 11-2013, UBND tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch bình ổn giá, tổ chức tốt hệ thống phân phối cố định và lưu động từ tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn.
Vợ chồng chị Thu Nga ở TP.TDM, cho biết do gia đình làm ăn, kinh doanh, nên vợ chồng chị phải mua nhiều quà tết. Chị thường mua rượu, bia, các thứ bánh mứt ở siêu thị Big C, do qua khảo sát chị nhận thấy đây là nơi bán hàng khá rẻ.
Còn Phạm Đình Thúy Uyên, ở đường Yersin, phường Phú Cường (TP.TDM) thì nói: “Nhờ có các điểm bán hàng bình ổn giá người tiêu dùng không sợ sốt giá. Qua so sánh giá chúng tôi nhận thấy thịt heo ở Citimart và cửa hàng Vissan (đường Thích Quảng Đức, TP.TDM). Dù hiện giá thịt ngoài chợ tăng lên 120.000 đồng - 130.000 đồng/kg đùi nạc, tại Citimart và cửa hàng Vissan vẫn bình ổn giá 84.000 đồng/kg nên tôi thường mua thịt ở 2 chỗ này”.
Siêu thị Citimart (TP.TDM) phục vụ người tiêu dùng ngày 29-1 (29 tháng Chạp).
Theo anh Hồ Hoàng Thanh, chuyên viên giám sát siêu thị Citimart, hơn 1 tuần giáp tết, lượng khách mua sắm tết tăng nhiều song siêu thị vẫn bảo đảm lượng hàng cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng bình ổn, không để cháy hàng. Dù giá cả thị trường có tăng giá, siêu thị vẫn bán đúng giá niêm yết.
Thực hiện kế hoạch bình ổn trước, trong và sau tết của UBND tỉnh, từ tháng 11 - 2013, UBND tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch bình ổn giá, tổ chức tốt hệ thống phân phối cố định và lưu động từ tỉnh xuống huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn. Theo kế hoạch này, có 12 doanh nghiệp tham gia bình ổn gồm: Siêu thị Citimart, Co.opmart, Big C, Vinatex, TDM, Number One, Tổng Công ty Thanh Lễ TNHH MTV, Công ty TNHH Phạm Tôn, Ba Huân, Tiến Hùng, Công ty Thương mại-Du lịch Bình Dương và Chi nhánh Công ty Kỹ nghệ Súc sản... Ngoài việc bán hàng bình ổn tại các siêu thị, chợ truyền thống, các doanh nghiệp này đã có kế hoạch tổ chức nhiều đợt bán hàng hàng lưu động về nông thôn một cách sâu rộng.
Được biết, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, gạo, nếp, nước giải khát, bánh mứt, đường, dầu ăn, bột ngọt, nước chấm… với tổng trị giá khoảng 604,6 tỷ đồng. Năm nay ngân sách tỉnh đầu tư 76 tỷ đồng cho 4 đơn vị vay thực hiện chương trình gồm Citimart, Vinatex, TDM và Công ty Thanh Lễ. Ngay từ những ngày đầu tháng 12 -2013, các siêu thị đã được giải ngân và dự trữ hàng. Qua khảo sát thị trường, các siêu thị đã bảo đảm cung ứng hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, không để “cháy hàng”.
Về phía các ngành chức năng, để thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” và kế hoạch bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Sở Công Thương cũng đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc bán hàng bình ổn, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa các mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị, các chợ truyền thống trước, trong và sau tết. Kết quả, các doanh nghiệp đã thực hiện đúng theo kế hoạch (tổ chức khu vực bán hàng bình ổn, niêm yết giá, treo băng rôn và đưa hàng bình ổn bán lưu động tại các huyện, thị, thành phố và khu, cụm công nghiệp đúng quy định).
Bên cạnh nỗ lực của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho rằng, để bảo đảm mua hàng bảo đảm chất lượng, giá cả người tiêu dùng cần biết chọn lựa sản phẩm thật, công dụng thật, cũng như các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe để sử dụng, bảo đảm người người, nhà nhà có một cái tết vui vẻ, an toàn!
BẢO ANH