Nhiều nông dân lựa chọn mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật: 15-11-2018 | 07:43:31

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, trước đây sinh sống ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát và có vườn cao su đang cho khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây giá mủ cao su xuống thấp, cây cao su không bảo đảm cho thu nhập ổn định nên ông tìm đếnT am Lập để xây dựng mô hình trồng dưa lưới áp dụng kỹ thuật cao. Hướng đi này đã mang lại cho ông nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hoàng đang chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình. Ảnh: HẢI SÂM

 Ông Hoàng chia sẻ, việc chuyển từ trồng cao su sang trồng cây dưa lưới phải xây dựng nhà bạt, hệ thống tưới nước, tưới phân định vị, ghi nhật ký sản xuất lúc đầu khiến ông khá bỡ ngỡ. Đến nay ông quen dần, đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ nên mô hình sản xuất của ông đã ổn định và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện ông đang có 2 nhà bạt với diện tích gần 2.000m2. Một năm, mỗi nhà bạt ông trồng được 3 vụ dưa lưới. Mỗi nhà bạt hiện nay ông trồng 1.300 cây, theo tính toán năng suất khoảng 1,2 tấn. Theo ông Hoàng, cũng giống như các loại cây trồng nông nghiệp khác, muốn sản xuất ổn định thì đầu ra phải bảo đảm. Ông không lo về đầu ra dưa lưới của mình vì thương lái cam kết mua hết sản phẩm của ông ngay tại vườn. Việc trồng dưa lưới cũng không đơn giản, tuy sách vở hướng dẫn khá chi tiết nhưng khi bắt tay vào sản xuất tùy theo từng địa hình, nguồn đất, nguồn nước, khí hậu mà từng người tự mình đúc rút ra kinh nghiệm riêng. Đối với ông, lúc đầu ông gieo hạt vào trong giò rồi mới đem bỏ vào bầu trong nhà lưới, nhưng nay ông gieo trực tiếp hạt xuống bầu. Cách làm này đã làm cho cây dưa lên nhanh và khỏe hơn.

Ông Hoàng tâm tình, trồng dưa lưới không phải cứ đam mê là sẽ thành công. Hôm ghé thăm mô hình trồng dưa lưới của ông, chúng tôi được ông dẫn vào vườn cây bị hư hỏng. Dẫn chúng tôi tham quan những vườn cây èo uột, xơ xác, ông nói đáng lẽ lứa này sắp mang về cho ông cả trăm triệu đồng nhưng nay coi như mất trắng, chỉ có thể lựa vài trái để ép nước uống. Nguyên nhân là do mưa dông gây tốc bạt che khiến cho côn trùng vào phá hoại, trong khi đó việc trồng dưa lưới hoàn toàn không sử dựng thuốc trừ sâu. Do mỗi cây chỉ cho 1 trái, một cây chỉ sinh trưởng đúng một mùa, lại trồng chung trong một nhà bạt nên khi đã bị thì hư nguyên cả nhà bạt. Không những vậy, việc cải tạo lại nhà bạt này cũng rất khó khăn, tốn nhiều công sức...

Không riêng gì ông Hoàng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những nông dân ở khu vực đô thị trong tỉnh thì chọn các mô hình không đòi hỏi quỹ đất lớn như trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá cảnh. Còn với những nông dân ở khu vực phía bắc của tỉnh với quỹ đất lớn đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang hiệu quả kinh tế cao, như các trang trại trồng cam, bưởi, quýt, nấm, các trang trại heo lạnh, gà lạnh...

Trên lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua nhiều nông dân trong tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ tự động hóa chuyển giao từ Israel, xử lý ra hoa trái vụ, áp dụng quy trình VietGAP... Về chăn nuôi, nhiều trang trại của nông dân được đầu tư với quy mô lớn, xây trại lạnh với hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng thảm chăn nuôi sinh học, vì vậy đã hạn chế thấp nhất dịch bệnh, hướng vào sản xuất hàng hóa lớn...

 M.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=352
Quay lên trên