Nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng đưa dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan...) phát triển theo hướng hiện đại, thời gian qua dịch vụ logistics đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại- dịch vụ Bình Dương tăng tốc. Tuy nhiên, đến nay dịch vụ này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của một tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển ngành logistics.
Dịch vụ logistics góp phần đưa kinh tế phát triển. Trong ảnh: Trung tâm logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa Ảnh: P.LÊ
Kết quả bước đầu
Qua 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 3905/KH-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đến nay bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Nổi bật trong đó là việc đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, cảng sông cũng như những dịch vụ hỗ trợ khai báo hải quan… Bằng giải pháp phát huy phương thức xã hội hóa, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực logistics, nhờ vậy mà đến nay trên địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một, lĩnh vực logistics đã phát triển mạnh mẽ với hàng trăm doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi giúp DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, hiện nay Bình Dương là tỉnh thu hút nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics tập trung với số lượng rất lớn. Chỉ ra nguyên nhân để DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, ông Phạm Văn Xô cho biết vì Bình Dương có địa thế thuận lợi, vừa giáp ranh với TP.HCM, vừa là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là nơi tập trung đông đúc DN sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Với những lợi thế này, Bình Dương là tỉnh có thế mạnh để phát triển logistics trong cả hiện tại và tương lai.
Là một trong những địa bàn phát triển mạnh lĩnh vực logistics, đến nay TX.Thuận An đã thu hút 36 DN đầu tư vào lĩnh vực này; trong đó có nhiều DN làm dịch vụ trọn gói với quy mô diện tích và vốn đầu tư rất lớn như Công ty TNHH Mapletree (Singapore), Trung tâm kho vận YCH - Protrade, Công ty kho vận miền Nam, Khu kho cảng An Sơn... Chỉ ra sự phát triển nhanh lĩnh vực này tại địa phương, ông Trương Công Thạch, Phó phòng Kinh tế TX.Thuận An, cho biết giai đoạn 2011-2014, nhờ việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn đã góp phần tạo sự thuận lợi cho lĩnh vực logistics chuyển biến mạnh mẽ; trong đó có nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai theo quy hoạch phát triển của địa phương gắn với phát triển của tỉnh như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, vòng xoay ngã sáu An Phú, cầu Bà Lụa, đường An Phú - Bình Chuẩn… Chính sự phát triển về hạ tầng giao thông này đã tạo nhiều thuận lợi để dịch vụ logistics tại địa phương phát triển mạnh mẽ.
Để phát triển quy mô về logistics, hiện Bình Dương đã xây dựng dự án Cụm cảng Trung tâm Logistics Tân Vạn gắn với Chi cục Hải quan cửa khẩu có diện tích 37,52 ha. Đến nay, dự án đã xây dựng hoàn chỉnh diện tích kho bãi, văn phòng và đang hoạt động. Bên cạnh đó tỉnh đã hoàn chỉnh và mở rộng cảng An Sơn tại TX.Thuận An, hiện dự án này đã thi công hoàn thiện phần hạ tầng phục vụ tàu có tải trọng đến 2.200 tấn cập cảng. Ngoài ra nhiều dịch vụ ICD (cảng cạn) khác như Cảng ICD Sóng Thần 2, ICD TBS - Tân Vạn… cùng nhiều DN đầu tư các kho hàng hóa lớn ở các KCN trên địa bàn đã phục vụ tốt nhu cầu xếp dỡ, bảo quản container, dịch vụ kho bãi, vận chuyển bằng container và dịch vụ hải quan cho DN đầu tư vào Bình Dương và các vùng lân cận.
Lợi thế để phát triển
Dù phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng có thể nói, thực tế phát triển dịch vụ logistics tại địa phương chưa xứng với tiềm năng. Để phát huy thế mạnh dịch vụ logistics, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương cho rằng, các DN kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn tỉnh cần có sự liên kết để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các trung tâm logistics phát triển mạnh phải liên kết các tuyến giao thông bảo đảm tập trung hàng hóa một cách thuận tiện nhất. Theo ông Phạm Văn Xô, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách một cách thông thoáng về hải quan, thuế nhằm thu hút sự đầu tư của khách hàng vào trung tâm logistics nhiều hơn. Mặt khác, cần có chính sách mở cho những khu logistics ngoài cửa khẩu như Bình Dương được lưu trữ tất cả các loại hàng hóa không thuộc hàng cấm…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Nhàn, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương, cho biết Bình Dương khuyến khích hỗ trợ các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp, cảng sông, chú trọng đến dịch vụ logistics trọn gói như kinh doanh kho bãi, vận chuyển hàng hóa, đại lý hải quan, kho ngoại quan, dịch vụ tư vấn, đóng gói bao bì… Trong đó, Nhà nước hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và khai thông nạo vét đường thủy. Ngoài ra, các ban ngành cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics về thực hiện các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Bên cạnh đó, Bình Dương còn tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện chính sách thuế ưu đãi, miễn hoặc giảm các loại thuế cho DN mới đi vào hoạt động từ 2 - 3 năm theo đúng quy định.
Cùng những thuận lợi như trên, hiện nay những dự án tạo lực của tỉnh đang tạo ra nhiều thuận lợi để logistics phát triển như tuyến đường Phạm Ngọc Thạch hoàn chỉnh kết nối TP.Thủ Dầu Một và mở rộng đối ngoại với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực; các tuyên đường Tân Uyên đang tập trung triển khai sẽ giúp DN thuận lợi vận chuyển hàng hóa... Nổi bật trong đó là đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện đã thông tuyến đoạn qua TP.Thủ Dầu Một, hiện chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động toàn tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp vận chuyển hàng hóa cho các DN trên địa bàn tỉnh đến các cảng biển sâu và kết nối với khu vực tiện ích. Đây sẽ là tuyến đường góp phần quan trọng vào sự phát triển của dịch vụ logistics. Với những lợi thế này, cùng chính sách hỗ trợ như trên, thời gian tới logistics của tỉnh sẽ tiếp tục có điều kiện để phát triển mạnh mẽ.
PHƯƠNG LÊ