Nhiều vấn đề đặt ra từ việc chậm chuyển đổi các lò gạch thủ công
Chỉ còn hơn một tháng nữa (30-12) là các lò gạch thủ công (LGTC) trên địa bàn Bình Dương phải ngưng hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất GTC chưa chuyển đổi sang công nghệ mới ít ô nhiễm theo quy định. Vì sao như vậy?
Bình Dương là địa phương có truyền thống về nghề gốm sứ. Do vậy, thật dễ hiểu khi ở Bình Dương có rất nhiều các cơ sở chuyên sản xuất các loại gạch ngói. Trước đây, các cơ sở này (chủ yếu sản xuất thủ công) tập trung ở nhiều huyện như Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, việc hoạt động của những LGTC đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên chính quyền đã có chủ trương di dời tập trung về các xã thuộc huyện Tân Uyên (lúc này dân cư còn thưa thớt) để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong nhiều năm vừa qua, tốc độ công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ kèm theo đó là quá trình đô thị hóa cũng diễn ra song song trên địa bàn Tân Uyên biến những khu đất trống mà trước đây các chủ LGTC đặt cơ sở sản xuất thành những khu dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển của nền công nghiệp hiện đại thì những LGTC với mức độ gây ô nhiễm môi trường đáng kể đã đến lúc phải chuyển đổi công nghệ để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường...
Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh quy định đến ngày 30-12-2010 nếu các LGTC không chuyển đổi sang công nghệ mới thì phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khá nhiều các cơ sở sản xuất gạch thủ công chưa thể chuyển đổi.
Nguy cơ bỏ nghề vì thiếu vốn
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Uyên thì để chuyển đổi từ LGTC sang công nghệ tuynel phải có ít nhất từ 15 - 20 tỷ đồng tùy vào quy mô của cơ sở sản xuất, đó là chưa kể đến tiền thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chính vì với số vốn đầu tư cao như vậy nên hiện tại vẫn còn khá nhiều các LGTC tiếp tục hoạt động mà chưa có động thái liên quan đến việc chuyển đổi sang công nghệ tuynel. Ông Hùng cho biết, với chủ trương của Nhà nước và qua những buổi làm việc với các cơ sở sản xuất GTC trên địa bàn huyện thì đến hiện tại đã có 13 lò GTC đã ngưng hoạt động, 53 lò đã chuyển sang công nghệ tuynel, 29 lò gạch đã chuyển đổi sang công nghệ hoffman (công nghệ này chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền). Hiện tại, ở Tân Uyên còn 103 LGTC hoạt động, tập trung rải rác ở các xã và nhiều nhất là ở xã Khánh Bình. Ông Hùng cho biết thêm, vừa qua Phòng Kinh tế đã làm việc với 6 xã, thị trấn để tiếp tục vận động các cơ sở còn lại ngưng hoạt động trước ngày 30-12-2010, đồng thời rà soát lần cuối các cơ sở LGTC hiện có trên địa bàn quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Công Tuyên, Giám đốc DNTN gạch Ngọc Trang lo lắng nói: “Việc Nhà nước đưa ra chủ trương phải chuyển đổi các LGTC sang công nghệ tuynel là chủ trương hết sức đúng đắn vì đã nhiều năm làm gạch từ lò thủ công ông biết được mức độ ô nhiễm môi trường từ các lò gạch này. Tuy nhiên, một điều làm ông cũng như một số cơ sở LGTC băn khoăn nhất là lấy đâu ra số tiền từ 15 - 20 tỷ đồng để chuyển đổi sang công nghệ tuynel”. Nguyện vọng hiện tại của ông Tuyên cũng như một số chủ LGTC khi tiếp xúc với chúng tôi đều mong mỏi chính quyền kéo dài thêm thời gian để các cơ sở sản xuất GTC có thời gian xoay sở vốn hoặc cho chuyển đổi sang công nghệ hoffman có chi phí rẻ hơn (từ 1 - 2 tỷ đồng). Anh Thành, chủ một cơ sở sản xuất GTC ở Thạnh Phước cho biết: “Anh hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, theo anh Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ hoặc cho chuyển đổi sang công nghệ khác với chi phí rẻ hơn chứ chuyển sang công nghệ tuynel thì anh “bó tay” vì không đủ vốn...”.
Nguyện vọng của ông Tuyên và anh Thành cũng là nguyện vọng chung của nhiều chủ cơ sở sản xuất GTC vì theo như lời ông Tuyên thì “chẳng lẽ mình đã gắn bó hơn 10 năm với nghề mà đành bỏ nghề đứng nhìn người khác làm cũng bằng chính cái nghề của mình nhưng vì họ có nhiều tiền hơn!”. Theo ý của ông Tuyên là hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất gạch ngói bằng những dây chuyền sản xuất hiện đại cho nên nếu không đủ vốn hoặc không có sự hỗ trợ của Nhà nước để chuyển sang công nghệ tuynel thì nhiều “ông chủ” của cơ sở sản xuất GTC đành phải bỏ nghề.
Nỗi lòng của công nhân LGTC
Những năm qua, ở Tân Uyên không thể tính được đã có bao nhiêu mẻ gạch được ra lò từ các LGTC. Hàng ngày, ở những nơi này xe cộ tấp nập ra vào lấy gạch để đưa đi tiêu thụ ngoài thị trường. Và phía trong những lò gạch ấy đã xây đắp biết bao mảnh đời vượt qua khó khăn để thay đổi cuộc sống. Ông Lý Công Tuyên, Giám đốc DNTN gạch Ngọc Trang cũng cho biết thêm: “Tới đây lò gạch “nằm im” không còn hoạt động nữa thì nỗi lo tìm kế mưu sinh cho 200 công nhân (CN) của lò gạch Ngọc Trang đang đè nặng lên đôi vai của họ”.
Có thể khẳng định, trong những năm qua những LGTC ở Tân Uyên đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm ăn sinh sống. Nhiều đại gia đình ở các tỉnh đã đưa nhau về đây lao động sinh sống làm ăn. Đi đến nơi trọ của họ, tìm hiểu chúng tôi được biết: Nhờ có công ăn việc làm ổn định, nên nhiều người có tiền dành dụm gửi về quê để trả nợ, lo cho con ăn học, phụ giúp gia đình và mua sắm một số vật dụng có giá trị. Nhiều người còn đưa cả gia đình lên để cùng làm và sinh sống, họ coi những LGTC như là căn nhà của họ vậy. Tại nhiều LGTC có 2 - 3 thế hệ cùng làm chung. Chị Bùi Thị Chương, công nhân lò gạch Ngọc Trang tâm sự: “Khi rời gia đình ở Cần Thơ nợ nần chồng chất, qua 10 năm gắn bó với lò gạch Ngọc Trang chị có tiền trả nợ và mua sắm những vật dụng trong gia đình. Nhờ có công ăn việc làm ổn định, chị đã đưa cả gia đình lên đây sinh sống”. Chị Chương buồn rầu kể tiếp: “Hơn 1 tháng qua khi nghe chủ doanh nghiệp thông báo đến cuối năm 2010 LGTC không được phép hoạt động. Chị Chương cũng như nhiều CN ở đây đi đến một số công ty, xí nghiệp xin việc nhưng không được. Lý do tuổi cao, không có bằng cấp... nên nhiều doanh nghiệp từ chối. Như vậy, khi lò gạch đóng cửa thì cuộc sống của chị cũng như nhiều lao động là CN lò gạch không biết đi về đâu”.
Công nhân phơi gạch
Ở Tân Uyên với 103 LGTC chưa có điều kiện chuyển sang lò tuynel. Tính bình quân mỗi lò gạch có 50 - 70 CN thì đến cuối năm 2010, các LGTC ngưng hoạt động theo quy định thì Tân Uyên sẽ có hơn 7.000 lao động bị mất việc.
Chị Nguyễn Thị Lệ, CN của một LGTC ở Thạnh Phước kể: “Gia đình chị có 5 người, nguồn thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu nhờ việc làm thuê cho các lò gạch. Trước đây mỗi tháng hai vợ chồng chị kiếm được từ 4 - 5 triệu đồng. Hiện nay, do quy định hạn chế LGTC hoạt động nên công việc không ổn định, nguồn thu nhập của gia đình chị khá bấp bênh nên chuyện thiếu trước hụt sau là điều không tránh khỏi. Sắp tới đây LGTC không được hoạt động nữa thì gia đình không biết xoay sở ra sao, làm nghề gì, chắc phải đưa nhau về quê hoặc tìm một việc gì đó để làm”.
Nhiều chủ các cơ sở sản xuất GTC cũng đang đau đầu về bài toán CN. Anh Thành trăn trở: “Họ đã gắn bó với mình đã bao nhiêu năm, bây giờ mình không có đủ vốn để chuyển đổi thì không biết tìm việc gì cho họ làm đây...”.
Phải thừa nhận rằng, sản xuất GTC lâu nay vẫn là kế mưu sinh của nhiều lao động, nhiều gia đình không chỉ ở Bình Dương mà còn ở nhiều địa phương khác. Việc xóa LGTC là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải tính đến những giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp tục với nghề và quan trọng hơn cả là tạo điều kiện cho những người CN đã nhiều năm gắn bó với nghề ổn định cuộc sống. Có như vậy chủ trương mới thật sự đi vào lòng dân và được thực hiện một cách nghiêm túc.
VĂN SƠN - NHÂN QUANG