* TRẦN THANH THẾ HIỂN, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho ĐNTN
Góp ý cho Đại hội Đoàn nhiệm kỳ 2012 - 2017, tôi có 3 điều tâm huyết. Một là, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống về ý nghĩa các khu di tích lịch sử văn hóa tỉnh cần được tăng cường hơn nữa. Hiện nay, Bình Dương có 42 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh. Đó là vốn tài sản rất quý giá, kết tinh tinh hoa văn hóa của cha ông qua bao đời nay. Tuổi trẻ cần phải hiểu biết, giữ gìn và phát huy những giá trị ấy trong thời đại ngày nay. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như về nguồn, hội trại, các cuộc thi viết... để các bạn ĐVTN, HS-SV cảm nhận và ý thức được truyền thống. Hai là, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn trong các lĩnh vực khác nhau nhằm tạo nguồn nhân lực bảo đảm yếu tố trẻ, năng động, sáng tạo phục vụ công tác Đoàn ở cơ sở. Để có thêm một đội ngũ kế thừa tiếp theo, theo tôi Tỉnh đoàn nên có đề án mở lớp đào tạo cho ĐVTN ưu tú hiện là sinh viên từ các trường ĐH, CĐ, TCCN trong tỉnh (thời gian học vào các ngày thứ bảy, chủ nhật), để các sinh viên này có nghiệp vụ, trình độ, năng động, sáng tạo, nhạy bén khi ra trường đi làm, tiếp tục tham gia hoạt động Đoàn tại đơn vị công tác. Ba là, vấn đề nhà ở, thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm nhằm đẩy mạnh công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân.
Tham gia giải quyết tốt những vấn đề trên, tôi cho rằng đây là những bước căn bản và lâu dài để công tác Đoàn liên tục lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức của thanh niên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
* NGUYỄN THỊ THANH TRÚC, Phó Bí thư Chi đoàn Sở Tài chính: Quan tâm hơn đến thanh niên và trẻ em có nguy cơ rơi vào thế giới ảo
Tôi tâm đắc với nhiều chương trình công tác Đoàn được tổ chức qua các năm như các chương trình tình nguyện, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi... Theo đó, tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia cống hiến và trưởng thành. Đồng thời những người trẻ tuổi còn có dịp giao lưu, học hỏi, thi đua học tập, rèn luyện. Bản thân có ý chí phấn đấu vươn lên ngày càng tốt hơn. Những kỹ năng tham gia sinh hoạt, công tác cũng hữu ích cho ĐVTN phục vụ công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, theo tôi để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, trong thời gian tới cần có nhiều hoạt động tập trung chăm lo phát triển cho thanh niên về mặt tâm lý xã hội, kỹ năng sống, trong đó quan trọng nhất là giáo dục tư tưởng cách mạng. Hình thức giáo dục cần thu hút, có sức hấp dẫn để thanh niên tự giác tiếp nhận, tự yêu thích với việc học tập từ đó mà nâng cao nhận thức, lập trường tư tưởng được đúng đắn, chính chắn và vững vàng. Đoàn cũng cần có giải pháp để dấn thân, quan tâm sâu sắc hơn nữa đối với các đối tượng thanh niên, trẻ em có chiều hướng bị cuốn hút theo các loại hình không tốt ngoài xã hội. Cần có giải pháp ngăn chặn từ đầu chứng nghiện game của đối tượng thanh niên có xu hướng bị rơi vào tệ nạn này. Tôi rất trăn trở mỗi khi nhìn vào các tiệm internet thấy nhiều bạn trong lứa tuổi thanh thiếu nhi giết thời gian và tiền bạc khi đắm chìm với thế giới ảo của các quan hệ bạn bè, tình yêu… Làm sao để định hướng cho những đối tượng này ý chí phấn đấu thực tế là vấn đề cần quan tâm.
* NGUYỄN NGỌC DIỆP, Trung tâm Giáo dục thường xuyên TX.Thuận An: Cần có sự phối hợp tốt giữa tổ chức Đoàn và lãnh đạo đơn vị
Trong môi trường giáo dục, tôi tâm đắc với các chương trình nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho thanh niên, học sinh như mô hình đôi bạn học tập tốt, giúp nhau đến trường… Theo tôi, việc triển khai thực hiện các mô hình đạt hiệu quả đến đâu cần nhất là khả năng ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả ở cơ sở. Chẳng hạn như ở đơn vị tôi, mô hình đôi bạn học tập tốt đã phát huy được hiệu quả, giúp cho chất lượng học tập của học sinh được nâng dần. Tỷ lệ thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12 tăng hơn 7 - 8%. Cách tổ chức của chúng tôi là ngoài đôi bạn còn có sự tham gia hỗ trợ của giáo viên, giúp các bạn hứng thú và yêu thích nhiều hơn với các môn học.
Để các hoạt động Đoàn từ cấp trên triển khai đến cơ sở được thuận lợi và hiệu quả thì cần có sự phối hợp tốt giữa tổ chức Đoàn và lãnh đạo đơn vị. Có như vậy thì mọi phong trào đưa ra sẽ tạo được sự đồng thuận với tập thể sẽ phát huy hết hiệu quả có thể đạt được. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị rằng, các phong trào được triển khai xuống cơ sở cũng tùy điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị đó để giao chỉ tiêu thực hiện, chứ không nên quy đồng như nhau, như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu được giao.
NGỌC TRINH (ghi)