Nhìn từ dòng chảy kiều hối

Cập nhật: 23-02-2011 | 00:00:00

Tổng mức kiều hối của cả năm 2010 là 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009. Phần lớn các ngân hàng thương mại cho biết, lượng kiều hối gửi về tăng trên 20% so với năm 2009. Ngoài ra, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Nhìn nhận về bức tranh kiều hối khả quan  nêu trên, WB dự báo năm 2011, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có thể sẽ còn tăng thêm  trên 6%.

Bên cạnh nguồn kiều hối thông thường của người dân gửi về hàng năm, theo nhận định và đánh giá của một số chuyên gia kinh tế có uy tín tại Việt Nam, sở dĩ năm 2010 lượng kiều hối đổ về Việt Nam có phần tăng lên chủ yếu nhờ vào các yếu tố chính sau: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn phải đang chống đỡ và gượng dậy sau khủng hoảng, nhất là sự bất ổn tài chính gần đây của đồng tiền euro, việc chuyển tiền và đầu tư về Việt Nam có xu hướng thuận lợi hơn. Một trong các hạng mục được chú ý nhất là việc đầu tư vào bất động sản có giá như đất đai ở những vị trí đẹp, thuận lợi dành cho khai thác du lịch, văn phòng và khách sạn. Một số tài liệu báo cáo thống kê gần đây cho thấy có đến 45 -50% lượng kiều hối  đã được đầu tư vào thị trường bất động sản.

Hầu hết các chuyên gia đều nhắc đến yếu tố thông thoáng và cởi mở trong chính sách kiều hối của Việt Nam, đó là việc cho phép gửi và nhận tiền bằng đồng USD. Đáng chú ý  và cũng là yếu tố chính, tạo động lực cho việc “khơi thông dòng chảy  kiều hối” là sự chênh lệch lãi suất, trong khi lãi suất của đồng USD trên thế giới hiện nay khá thấp (lãi suất cho vay liên ngân hàng thế giới chỉ dao động quanh 0,23 - 0,78%/năm cho tất cả các kỳ hạn) thì tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất huy động USD xoay quanh 5%/năm là mức cao. Người gửi tiền chắc chắn cũng muốn đồng tiền của họ sinh lợi nhiều hơn nên đã gửi về đây để nhận lãi suất tốt hơn.

Xét trên cả 3 yếu tố tạo ra nguồn kiều hối nêu trên thì hai yếu tố sau là cơ sở bền vững cho việc tạo nguồn. Căn cứ vào báo cáo tổng kết năm 2010 của Bộ Xây dựng, mặc dù giá nhà, đất vẫn đang tăng và đứng ở mức cao nhưng thị trường này vẫn mang đầy rủi ro, dễ trồi sụt... Đây là kết quả của việc quản lý bất cập, chứ không phải giá trị đích thực của thị trường đem lại. Do vậy, để “dòng chảy kiều hối” phát huy được hiệu quả, thiết nghĩ, đây là những kênh thông tin tham khảo cần thiết cho việc hoạch định chính sách quản lý ngoại hối theo sát được diễn biến tình hình, tiến tới việc chủ động duy trì nguồn kiều hối góp phần giảm áp lực khan hiếm USD và phát triển kinh tế đất nước.          

M.TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên