Nhịp cầu hàn gắn vết thương chiến tranh

Cập nhật: 20-04-2010 | 00:00:00

Như nhiều cựu binh khác từng tham chiến tại Việt Nam, John Wesley Fisher, một cựu binh Mỹ, cũng mắc hội chứng “Chiến tranh Việt Nam”. Thế rồi ông đã tự tìm ra cho mình cách chữa trị và giúp nhiều cựu binh khác chữa trị hội chứng này thông qua các hoạt động từ thiện, hàn gắn vết thương chiến tranh.

 

Trên trang web của mình ông đã kể về những bất hạnh trong đời vì bị hội chứng “Chiến tranh Việt Nam” và hành trình tìm ra phương thuốc chữa bệnh cho mình và nhiều đồng đội.

 

Hành trình tìm lại chính mình

 

Tôi sinh ra tại Boston, lớn lên ở San Diego (Mỹ) vào thời điểm quân đội Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Và vì thế tôi bị buộc phải tham chiến tại Việt Nam năm 1968 trong Sư đoàn bộ binh số 4. Rời quân ngũ, trở về quê hương, tôi ẩn mình trong cô đơn và chu du thế giới để lướt ván, xem đó là niềm vui duy nhất trong đời. Tại Perth, bang Tây Australia, tôi đã tìm thấy bước đi tiếp theo của đời mình khi tình cờ gặp bác sĩ Jim, một chuyên gia về nắn khớp xương và ông nhanh chóng đưa tôi đến với nghề này.

  

Bác sĩ Fisher đang điều trị vật lý trị liệu cho trẻ em tại Đà Nẵng trong chuyến đi vào ngày 30-3-2010

 

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại trường cao đẳng chuyên về nắn khớp xương, tôi đã định cư tại Golden, bang Colorado. Nhưng rồi hội chứng trầm cảm do vết thương chiến tranh gây nên đã làm cho cuộc hôn nhân kéo dài 29 năm của tôi đổ vỡ. Là một bác sĩ, tôi quyết định phải tự giúp mình vượt qua căn bệnh này. Biến cố trong đời đã giúp tôi đến với cuộc hành trình kéo dài 10 năm để tìm cách chữa căn bệnh không cần dùng thuốc (vật lý trị liệu). Tôi trở lại nơi từng xảy ra cơn ác mộng của đời mình và cuối cùng đã chữa trị được tận gốc căn bệnh của tôi. Thời gian này tôi cũng đã viết 2 cuốn sách (Những thiên thần ở Việt Nam (Angels in Vietnam) và Trở về không được đón chào (Not Welcome Home)”.

 

Trong cuốn sách “Chiến tranh và tâm hồn” (War and the soul), tiến sĩ Edward Tick mô tả một định nghĩa mới về chứng rối loạn tâm lý do căng thẳng sau chấn thương (PTSD): đó không phải là một kiểu bệnh thông thường mà nó thiên về khía cạnh tinh thần. Sau khi xem cuốn sách này cùng với các chuyến đi đến Hy Lạp và Việt Nam, cuộc đời của tôi như được hồi sinh thông qua các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh tại Việt Nam. Bằng những kiến thức y học của mình, chúng tôi đã tổ chức chữa bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu cho người dân trong vùng chúng tôi đến và thường đó là những nơi xa xôi hẻo lánh, những trạm xá tại miền Trung của nước Việt Nam.

 

Việt Nam là đất nước xinh đẹp. Có những khung cảnh của miền núi thật hấp dẫn, những bãi biển tuyệt vời như làm dịu lòng người khi chúng tôi cỡi xe đi xuyên các thành phố, làng mạc và đồi núi. Chúng tôi gặp gỡ những người Việt Nam hiền lành họ là những giáo viên, nông dân, nhà sư, sinh viên, những người buôn bán, trẻ em đường phố...

 

Chúng tôi thường đến nghe các vị sư giảng đạo, tham quan bảo tàng, nhà dân cũng như đến các trung tâm phục hồi chức năng và tham gia các dự án nhân đạo tại các cơ sở y tế của Việt Nam. Chúng tôi đã quan sát và có kinh nghiệm trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh thông qua các cuộc gặp với những người từng là đối phương của chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ một cách tôn trọng và nhân ái về một trang sử đã qua. Chúng tôi nỗ lực hết mình để ủng hộ các cựu binh Mỹ trở lại thăm những nơi quan trọng đối với đời sống tinh thần của họ. Đó có thể là một nơi từng là căn cứ quân sự thời chiến tranh ở vùng núi, có thể là một nấm mồ trên đồng ruộng, một ngôi làng của dân tộc ít người, một đường băng... Tại đó, chúng tôi tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, mở đường cho sự tha thứ, hòa giải và hòa bình của ngày hôm nay. Những cựu binh chúng tôi đến Việt Nam và họ đã thật sự chuyển biến tâm lý, làm lại cuộc đời sau những rối loạn tâm lý do chiến tranh gây ra.

 

Sự tha thứ: phương thuốc hữu hiệu nhất

 

Kể từ tháng 2-2003 khi tôi quyết tâm thực hiện chuyến đi trở lại Việt Nam, thì cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn. Ngay sau khi bước xuống sân bay ở Việt Nam, những hồi tưởng về quá khứ cứ ào ạt quay lại, và tôi cứ sợ rằng mình vẫn còn là một mục tiêu tấn công của ai đó. “Ông từ đâu tới? Ông tên là gì? Ông đã đến Việt Nam bao lần rồi?” đó là những câu hỏi tôi thường gặp. Khi tôi cho họ biết là đã tới Việt Nam trước đây. Họ hỏi: “Trước năm 1975 phải không?”. Lần đầu tiên, tôi cụp mắt xuống và quay đi chỗ khác trước khi gật đầu một cách e dè. “Ôi, thế là ông đã từng chiến đấu chống lại tôi à”, một người đàn ông vừa nói vừa kéo áo lên và để lộ ra phần sẹo ở bụng và nói: “Tôi là Việt Cộng đấy”. Tôi tái mét vì sốc. “Ồ không, không có vấn đề gì đâu. Dù sao cũng là quá khứ rồi. Giờ chúng ta là bạn”, ông ấy đã nói vậy đấy. Và sau rất nhiều những trải nghiệm tương tự với những “kẻ thù cũ” và người dân nơi đây, tôi mới nhận ra đó chính là tính cách của người Việt Nam.

 

Những con người Việt Nam luôn làm việc chăm chỉ vì sự thịnh vượng chung, có tấm lòng vị tha và biết sống vì người khác, ngay cả những người như chúng tôi. Họ hiểu thấu đáo việc tôi chống lại đất nước họ trong chiến tranh, còn giờ thì chiến tranh đã qua rồi, với họ, chúng tôi là những người bạn. Tiến sĩ Ed.Tick đã nghiên cứu một số nền văn hóa cổ xưa, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm hiểu điều gì đã khiến cho các cựu chiến binh Mỹ cần được chữa trị PTSD. Các chuyến đi đến Việt Nam đã cho ông thấy hận thù còn đọng lại rất ít trong lòng những người từng là kẻ thù cũ của chúng tôi.

 

Đó cũng là lý do ông và tôi tổ chức các chuyến đi trở lại Việt Nam cho các cựu binh Mỹ. Lần đầu trở lại Việt Nam họ cũng hoang mang giống như tôi lúc ban đầu. Những chuyến đi nhằm giúp các cựu binh Mỹ thoát khỏi ám ảnh về cuộc chiến tranh và để thân quen với hình ảnh mới của đất nước này. Tâm hồn họ đã được gột rửa và thay đổi. Những điều mà tôi tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra.

 

Ngoài mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh cho các cựu chiến binh, chúng tôi còn thực hiện các chuyến đi chữa trị cho người khuyết tật, bệnh nhân tại Việt Nam. Ngoài tôi, Lindsley, vợ tôi cũng là bác sĩ. Tôi là bác sĩ nắn chỉnh xương khớp còn vợ tôi là một cố vấn về các phương pháp xoa bóp toàn thân, xoa bóp bằng hương liệu,… Chúng tôi cũng mời các chuyên gia y tế khác cùng tham gia với chúng tôi và đã dần hoàn thiện thành một đội công tác hoạt động từ thiện và đã chữa trị cho tổng cộng 1.500 bệnh nhân trong suốt các chuyến đi của chúng tôi tại Việt Nam đồng thời chúng tôi còn truyền đạt lại các phương pháp này lại cho các kỹ thuật viên Việt Nam.

 

Năm 2009, chúng tôi đã có một kỷ niệm khá thú vị khi đến Việt Nam. Một số bệnh nhân cao tuổi từng tham gia chiến đấu, bị mất một tay hoặc một chân, đã trèo lên bàn tập của chúng tôi với sự tin tưởng tuyệt đối, trân trọng tiếp nhận sự chữa trị từ những người từng đứng bên kia chiến tuyến với họ. Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi chữa trị cho những người được gọi là “kẻ thù cũ” của mình. Với chúng tôi, sau khi việc chữa trị hoàn thành, thật khó có thể nói là ai đã chữa bệnh cho ai, ai là bệnh nhân ai là bác sĩ. Được phép thực hiện công việc nhân đạo tại đất nước này là một món quà lớn với chúng tôi, mà nhất là khi tôi lại là một cựu chiến binh Mỹ. Các thành viên khác trong đoàn cũng có những cảm xúc tương tự như vậy.

 

Tôi đã nhận ra một chân lý: Chỉ khi hòa mình với cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi mới cảm nhận rõ tình yêu và sự khoan dung từ những con người nơi này, những con người mà chúng tôi đã từng chiến đấu chống lại họ, chỉ bởi vì họ sẵn sàng khép lại quá khứ và tha thứ. Và sự tha thứ đó đã giúp chúng tôi chữa lành vết thương chiến tranh của mình.

 

Bác sĩ Fisher lần đầu tiên trở lại Việt Nam năm 2003 với tour Vì hòa bình (Tours of Peace). Năm 2004 và 2006 ông tiếp tục trở lại Việt Nam cùng với bác sĩ Tick. Năm 2009, ông cùng vợ Lindsley Field dẫn đầu đoàn cựu binh Mỹ tới Việt Nam thông qua tổ chức “Trái tim những người lính” (Soldier’s Heart) và từ ngày 26-3 tới 12-4-2010, ông tiếp tục đến Việt Nam trong sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong các chuyến đi, ngoài các cựu binh Mỹ còn có các thành viên gia đình các cựu chiến binh và nhiều người khác quan tâm đến Việt Nam.

 

“Trái tim những người lính” là dự án của các cựu binh Mỹ với mục đích đưa các cựu binh trở lại chiến trường xưa để hàn gắn vết thương chiến tranh, để những cựu binh và người thân của họ có thể giãi bày cảm xúc. “Trái tim những người lính” lấy ý tưởng từ cuốn sách “Chiến tranh và tâm hồn” của tiến sĩ Edward Tick, chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong việc chữa trị các triệu chứng rối loạn tâm lý sau chiến tranh. Ông bắt đầu chữa trị hội chứng Việt Nam cho các cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam từ năm 1979 sau đó trở thành chuyên gia chữa các hội chứng chiến tranh khác của Mỹ như chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan,…

 

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên