“Nhịp cầu” nối lại niềm vui

Cập nhật: 24-01-2022 | 09:19:35

Để hóa giải những mâu thuẫn, hàn gắn những rạn nứt, xóm làng rộn rã tiếng cười trong dịp đầu xuân, các cán bộ hòa giải ở cơ sở vẫn đang nỗ lực hết mình. Họ chính là “nhịp cầu” gắn kết các mối quan hệ đang trên bờ đổ vỡ, góp phần quan trọng nhằm ổn định trật tự xã hội và thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm.


Nhờ sự có mặt kịp thời của ông Nguyễn Tứ Lâm, tình làng nghĩa xóm giữa hai hộ gia đình đang được hàn gắn vào dịp cuối năm

Những ngày cuối năm tất bật, P.V có mặt tại Văn phòng khu phố 7, phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) để tìm gặp hòa giải viên Nguyễn Tứ Lâm (sinh năm 1963 ). Lúc này ông Lâm và một thành viên tổ hòa giải đang có mặt ở con hẻm nhỏ để hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình trong xóm. Chỉ vì chuyện nhà này đặt những chậu hoa kiểng trên lối đi chung, lấn sang mặt tiền nhà nọ mà thành ra hai nhà lời qua tiếng lại. Khi ông Lâm phân tích về “tình làng nghĩa xóm”, về sự đoàn kết giữa nhân dân trong xóm thì họ đã hóa giải được mâu thuẫn, bắt tay làm hòa sau những ngày căng thẳng đến mức khó mà “đón tết bình yên”.

Nói về công tác hòa giải cơ sở, ông Nguyễn Quốc Danh (sinh năm 1963), hòa giải viên ấp An Mỹ, xã An Điền, TX.Bến Cát, cho rằng công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này có nghĩa quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, kiện cáo, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự.

Cùng quan điểm với ông Danh, bà Nguyễn Thị Muôn (sinh năm 1962), hòa giải viên ấp Tân Hòa, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng cũng cho rằng hòa giải viên giỏi cần hội đủ nhiều yếu tố từ kiến thức, kinh nghiệm đến “cái tâm” nhiệt tình với công tác xã hội. Để gắn bó với công tác này lâu dài, bà đã phải thu xếp công việc gia đình để có thời gian toàn tâm toàn ý đi sớm về hôm giải quyết chuyện “bao đồng”. Nhiều khi được khuyên nên “nghỉ hưu” sớm nhưng bà Muôn vẫn không dao động, bà vẫn nhiệt tình trong công tác hòa giải cơ sở.

Gắn bó với công tác hòa giải hơn 10 năm, bà Muôn đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải, là chiếc “cầu nối” được bà con ấp Tân Hòa yêu mến, tin tưởng. Với quan điểm “vừa mềm vừa cứng”, nhiều vụ tranh chấp phức tạp trong ấp đã được hóa giải, nhất là những xung đột trong hôn nhân giữa các cặp vợ chồng.

Bình Dương hiện có 592 tổ hòa giải với 4.388 hòa giải viên, trong đó có 2.899 hòa giải viên nam; 1489 hòa giải viên nữ; 12 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Hòa giải viên không chỉ là cán bộ tư pháp, cán bộ Hội Phụ nữ mà còn có sự tham gia của những người là Hội thẩm nhân dân, cán bộ hưu trí, công an viên... Bình Dương là một trong số những tỉnh đầu tiên trên cả nước sớm ban hành chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải để động viên, khích lệ hòa giải viên trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã hòa giải kịp thời nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ nhân dân; góp phần giảm số vụ việc phải chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, qua đó giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhân dân.

Cũng theo bà Hoa, những năm qua chất lượng đội ngũ hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Hàng năm, đội ngũ này đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ hòa giải ở cơ sở đều là những người có hiểu biết về pháp luật, có kinh nghiệm hòa giải qua thực tiễn và có sự gắn bó sâu sắc với người dân ở địa phương. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả cao, góp phần hạn chế khiếu nại vượt cấp.

“Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, đã tồn tại lâu đời và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những năm qua, chất lượng đội ngũ hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Đội ngũ hòa giải ở cơ sở đều là những người có hiểu biết về pháp luật, có kinh nghiệm hòa giải qua thực tiễn và có sự gắn bó sâu sắc với người dân ở địa phương. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả cao, góp phần hạn chế khiếu nại vượt cấp”.

(Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp)

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2650
Quay lên trên