Những ngày cuối năm 2022, trên con sông Sài Gòn lại có thêm một cây cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình này sẽ giúp kết nối giao thông, giao thương hàng hóa giữa Bình Dương với Tây Ninh và các tỉnh, thành trong khu vực thuận tiện hơn; đồng thời, mở ra cơ hội giúp huyện vùng xa Dầu Tiếng gia tăng khả năng liên kết vùng, khai thác tốt tiềm năng.
Dự án đường và cầu kết nối Bình Dương - Tây Ninh có điểm đầu giao với đường ĐT744 đoạn qua thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) và điểm cuối đấu nối vào dự án đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Phần cầu và đường thiết kế 6 làn xe, có vận tốc 80 km/ giờ, dưới chân cầu có một đoạn đường dân sinh được thiết kế vận tốc tối đa 20km/giờ. Dự án này có chiều dài tuyến là 800,39m, trong đó phần cầu dài 330,5m, phần còn lại là đường dẫn ở 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 410 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương.
Sự xuất hiện của cây cầu đã giúp gia tăng khả năng liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc lưu thông của người dân, giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh và các tỉnh, thành chắc chắn thuận lợi hơn. Từ đường ĐT744, người và phương tiện muốn đi Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Long An thông qua trục đường Quốc lộ 22 có thể đi qua cây cầu này rồi chạy thẳng qua tuyến đường Đất Sét - Bến Củi và ngược lại. Theo đánh giá của người dân địa phương, việc lưu thông qua lại giữa hai địa phương thông qua tuyến cầu - đường này là thuận tiện, an toàn và tiết kiệm thời gian hơn so với những tuyến cũ.
Giữa dòng Sài Gòn thơ mộng, có thêm một nhịp cầu đã nối những bờ vui. Và người dân, doanh nghiệp sinh sống, trú đóng hai bên bờ con sông này còn vui hơn khi hay tin ngành chức năng, địa phương của 2 tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng đủ 6 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Đó là những công trình mang theo ý chí, khát vọng vươn lên của các địa phương. Có thể khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phân công, phân nhiệm cụ thể một cách cân đối, hài hòa và gia tăng khả năng liên kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang theo đuổi là đúng đắn. Với chiến lược này, tin tưởng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục là khu vực năng động bậc nhất của cả nước. Trong đó, Bình Dương là một đô thị phức hợp thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn đối với khu vực và cả nước.
ĐÌNH THẮNG