Bài 1: Chúng ta sẽ sớm về nhà!
Tạm gác qua nỗi nhớ gia đình, người thân, các y, bác sĩ tại các khu điều trị cách ly F0 cùng các lực lượng làm nhiệm vụ đã ngày đêm hy sinh thầm lặng, quên mình để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân bằng tất cả khả năng và y đức của mình. Tất cả đều mong muốn các bệnh nhân mau khỏi bệnh, bình phục để sớm trở về với gia đình.
Thăm, khám kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi F0 thể nhẹ tại cơ sở
Ngày đêm không ngơi nghỉ
Những ngày cuối tháng 7, khi toàn tỉnh đang triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được phép của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi đã có chuyến “thị sát” cơ sở điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 tại trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự TP.Thủ Dầu Một cũ (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Phải mất hơn 15 phút thực hiện các thủ tục, quy trình phòng, chống dịch bệnh kín kẽ chúng tôi mới được phép tiến nhập “vùng đỏ” - nơi ăn ở, điều trị cho hơn 83 bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ.
Người đầu tiên chúng tôi tiếp chuyện là Thiếu tá Lê Phạm Tuấn Long, Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự TP.Thủ Dầu Một, Chỉ huy quản lý cơ sở điều trị cách ly. Thiếu tá Long cho biết: “Lực lượng quân sự hiện phối hợp cùng lực lượng Công an phường Hiệp Thành tổ chức bảo đảm an ninh trật tự bên ngoài. Riêng khu vực bên trong, lực lượng quân sự, dân quân bảo đảm an ninh trật tự; phục vụ bệnh nhân có điều kiện sinh hoạt thoải mái nhất trong suốt thời gian thực hiện điều trị cách ly. Đội ngũ y, bác sĩ tại đây mỗi ngày tổ chức thăm, khám sức khỏe 2 lần cho các bệnh nhân. Các điều kiện ăn ở, chăm lo cho các ca bệnh được lực lượng quân sự, các sinh viên tình nguyện trường Cao đẳng Y tế Bình Dương hỗ trợ nhiệt tình”.
Câu chuyện giữa chúng tôi với người chỉ huy cơ sở tạm ngắt quãng khi đã đến giờ thăm, khám bệnh cho các bệnh nhân. Được sự cho phép, chúng tôi nhanh chóng mặc trang phục bảo hộ, với 2 lớp kính bảo vệ giọt bắn, 2 lớp găng tay dưới sự hướng dẫn của các y, bác sĩ trước khi vào cuộc hành trình tiếp cận F0. Chưa đầy 15 phút, chúng tôi đã cảm nhận được sức nóng tăng lên, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt khắp người. Theo giải thích của các y, bác sĩ nơi đây, đồ bảo hộ trong khu vực đều đạt mức độ an toàn tiêu chuẩn 1. Vì vậy, đối với những người “tập sự” như chúng tôi sẽ rất khó chịu.
Do việc trùm kín cả người khiến thân nhiệt tăng cao, dẫn đến việc ra nhiều mồ hôi, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, di chuyển nhiều dễ làm kiệt sức vì mất nước. Đây chính là nguyên nhân mà nhiều y, bác sĩ đang làm việc bị kiệt sức, ngất xỉu. Theo các y, bác sĩ nơi đây, trung bình mỗi ngày 2 lần, từ 4 - 5 tiếng đồng hồ họ phải mặc trang phục bảo hộ để thăm, khám cho các bệnh nhân. Có trải qua hàng giờ mặc trang phục bảo hộ, chúng tôi mới cảm nhận được nghị lực của các y, bác sĩ đã ngày đêm nỗ lực vượt qua những khó khăn, gian khổ để chăm sóc, điều trị tận tình cho các bệnh nhân.
Gác lại nỗi nhớ gia đình, người thân, các y, bác sĩ tuyến đầu đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, y đức của người thầy thuốc để tận tâm điều trị bệnh, ổn định tâm lý, tinh thần cho bệnh nhân
Cùng vượt qua khó khăn
Trên quãng đường vào khu điều trị cách ly, chia sẻ về khoảng thời gian nhận nhiệm vụ, bác sĩ Nguyễn Thị Yến Nhi, công tác tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một bộc bạch, đã có “thâm niên” 7 năm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng đây là lần tham gia tuyến đầu để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân F0 Covid-19 nên chị có nhiều cảm xúc khó tả. 30 ngày có mặt tại trung tâm này là chuyến công tác xa nhà lâu nhất mà bác sĩ Nhi cùng đồng nghiệp từng làm. Sự lo lắng, gửi gắm niền tin trong từng ánh mắt của bệnh nhân chính là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y, bác sĩ nơi đây dốc hết sức mình để ngày đêm tận tình chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân.
Ở đây, chúng tôi xem như gia đình thứ hai của mình và bệnh nhân cũng là người thân quen. Hàng ngày, khi đến thăm, khám, tiếp xúc chia sẻ với bệnh nhân, thấy tình trạng sức khỏe của tất cả bệnh nhân được cải thiện, tinh thần họ lạc quan cùng những lời chia sẻ, cám ơn chân tình của họ đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho tất cả chúng tôi nỗ lực hết mình. Mong cho tất cả ổn định tâm lý, an tâm điều trị, mau chóng hồi phục sức khỏe để cùng trở về nhà”. (Bác sĩ Nguyễn Thị Yến Nhi) |
“Tâm lý các bệnh nhân được xét nghiệm F0 khi mới đến đều cho rằng sức khỏe bình thường, chắc có sự nhầm lẫn trong kết quả test, thậm chí một số người có biểu hiện hoang mang, lo lắng, gay gắt… Thế nhưng, khi được giải thích về sự nguy hiểm của biến chủng vi rút Delta, người nhiễm không biểu hiện triệu chứng, nhất là những người ở thể bệnh nhẹ, nhiều người mới biết sự nguy hiểm của bệnh nên đã dần hợp tác”, bác sĩ Nhi chia sẻ.
Cùng có mặt hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ, y sĩ Đỗ Thị Tứ, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, chị cũng có mặt tại cơ sở đã 3 tuần. Chị cho hay, có nhiều thay đổi so với công tác chăm sóc đối tượng cách ly F1 trước đây. Trách nhiệm của y, bác sĩ tại cơ sở cũng như lực lượng làm nhiệm vụ tại đây càng đòi hỏi cao hơn cả về nghiệp vụ và công sức. Việc thực hiện đầy đủ các quy trình vừa bảo vệ chính mình, vừa phòng, chống lây nhiễm chéo trong quá trình thăm, khám cho các ca bệnh được đặt lên hàng đầu. Tinh thần tận tâm, tận tụy chữa trị cho bệnh nhân bằng tất cả khả năng của mình của người thầy thuốc đã tạo được niềm tin, tinh thần lạc quan cho người bệnh, giúp họ thêm nghị lực để cải thiện tình trạng sức khỏe và sớm bình phục.
Hơn 11 giờ trưa, giữa cái nóng oi ả của ngày hè, trong trang phục bảo hộ, hai nữ y, bác sĩ di chuyển qua từng khu, từng tầng lầu để thăm, khám cho từng bệnh nhân. Trong khi đó, cũng bộ trang phục như vậy, chúng tôi gần như kiệt sức và thầm khâm phục ý chí của các y, bác sĩ nơi đây. Theo từng bước chân của các y, bác sĩ đến từng khu, thăm từng phòng và nghe nhiều bệnh nhân chia sẻ, chúng tôi thấy được trên từng khuôn mặt bệnh nhân tươi tỉnh và cho biết tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt. Có lẽ, trong từng khuôn mặt bị ẩn đi bởi lớp khẩu trang của các y, bác sĩ nơi đây cũng sẽ nở những nụ cười hồn hậu khi nghe bệnh nhân của mình nói như vậy. (còn tiếp)
MINH DUY