(BDO) Xem chương trình Tôi yêu Bình Dương giới thiệu món mắm nêm Tân Ba làm tôi nhớ tới một món ăn bình dị và một món đồ vật bằng sành trông thô ráp, sần sùi không hoa văn, bóng bẩy như những đồ vật bằng sành sứ khác nhưng đã từng một thời gắn bó, thân thuộc với nhiều gia đình. Đó chính là cái tĩn đựng mắm.
Ngày tôi còn bé, mỗi lần nghỉ hè tôi được má dẫn về quê cùng với các anh chị lên gò trồng khoai, trồng đậu. Lúc đó còn nhỏ nên tôi chỉ có nhiệm vụ mỗi sáng cặp cái rổ theo má đi mót khoai lang, đậu phộng. Bữa nào mót được nhiều, phần thưởng má cho tôi vào sáng hôm sau là một củ khoai lang luộc ăn với mắm nêm.
Ảnh cắt từ clip
Thời đó ở quê tôi, trong gian bếp nhà nào cũng có vài hũ mắm nêm. Sáng ăn khoai luộc với mắm nêm, trưa chiều cũng ăn cơm với mắm nêm. Quanh năm suốt tháng, không bữa cơm nào là không có món mắm nêm. Nhà tôi đông anh chị em, mỗi lần làm mắm nêm má tôi ra chợ mua cả tĩn mắm cá cơm về làm mới đủ ăn. Mặc dù ăn mắm nêm mỗi ngày, nhưng đến khi má tôi làm mắm nêm, vừa ngửi được mùi thính má đang rang trên bếp là mấy anh em tôi chuẩn bị tinh thần lát nữa tới bữa cơm nhất định sẽ giành cho bằng được miếng cơm cháy nóng giòn dưới đáy nồi.
Món mắm nêm coi đơn giản, bình dị vậy đó nhưng phải khéo tay lắm mới làm được một hũ mắm thơm ngon, ăn kèm với bất cứ nguyên liệu nào cũng hợp khẩu vị, như: Khoai lang, khoai mì, khoai môn; cơm nóng, cơm nguội; bún; bánh tráng. Mắm cá cơm mua về trút ra chiếc thau lớn; dưa leo, đu đủ xanh ngâm muối cho rút bớt nước rồi cắt từng miếng nhỏ vừa ăn; trái thơm có vị chua ngọt cũng cắt nhỏ thêm vào để cân bằng độ mặn của mắm.
Quan trọng nhất và khó nhất để có một hũ mắm nêm ngon là công đoạn rang gạo làm thính. Bếp phải để nhỏ lửa và người rang phải luôn đảo đều tay, khi thính vừa bốc mùi thơm thì phải tinh mắt để nhìn xem màu vàng của gạo rang đã đạt chuẩn chưa để nhấc chảo rang ra khỏi bếp. Gạo rang quá lâu thính sẽ có vị đắng, còn nếu như gạo rang chưa tới, khi trộn vào mắm sẽ không có mùi thơm đặc trưng của món mắm nêm.
Cái tĩn đựng mắm năm xưa
Có một điều khá thú vị là mỗi năm khi xuân về tết đến, má tôi luôn kêu người anh lớn trong nhà thay mới cái bình bông với cái tĩn mắm cũ trên hai cọc cổng rào trước nhà theo tập quán ông bà để lại. Ngày xưa làm lụng vất vả quanh năm cho nên mỗi dịp tiễn năm cũ, đón năm mới, bên cạnh việc dâng hoa quả cúng trời đất, tổ tiên, ông bà còn lưu lại cho con cháu một tập quán treo bình mới và tĩn mới trước cổng nhà. Ghép tên hai đồ vật đó lại đọc lên sẽ nghe ra thành hai từ “bình tĩnh”, đó chính là ước nguyện, cầu mong cho gia đình, con cháu năm mới luôn có một cuộc sống ấm no, bình an, tĩnh tại.
Thời gian qua đi, cùng với những đổi thay của cuộc sống, những cái tĩn ngày xưa hầu như không còn thấy trên thị trường. Thế nhưng, chiếc tĩn xấu xí ngày xưa từng là đồ vật quen thuộc và hữu ích cho con người trong cuộc sống sẽ vẫn mãi được lưu giữ trong ký ức của các thế hệ mai sau thích trân trọng gìn giữ hồn quê.
Công Luận